Với Silas Sihombing, một viên chức ở Medan (Indonesia) thì lý do ăn thịt chó không thể đơn giản hơn. “Hôm nay tôi ăn thịt chó vì tôi đói”, Sihombing nói với phóng viên Al Jazeera trong lúc nhâm nhi món thịt chó nướng tại nhà hàng Lau Dimbo Simalem ở Medan, Bắc Sumatra. “Xem này, nó đang khiến tôi vã mồ hôi. Ăn thịt chó rất nóng”, Sihombing cho biết thêm.
Các nhà hàng thịt chó nhan nhản trên khắp Medan, nơi người Batak bản địa nổi tiếng yêu thích nguồn đạm động vật này.
Theo ước tính của Dog Meat Free Indonesia, một nhóm vận động chống buôn bán thịt chó, khoảng 7% người Indonesia ăn thịt chó.
Mặc dù 87% trong tổng số 270 triệu dân của Indonesia theo đạo Hồi và coi các sản phẩm từ thịt chó là “haram” tức “bị cấm”, giống như thịt lợn, vẫn có khoảng 9% dân số theo đạo Thiên chúa.
Thịt chó thường được ăn nhiều nhất ở các vùng đa số dân cư theo đạo Thiên chúa, như Bắc Sumatra, Bắc Sulawesi và Đông Nusa Tenggara, nơi chỉ có 9% dân số theo đạo Hồi.
Các nhóm bảo vệ quyền động vật phản đối việc buôn bán thịt chó với lý do hành động đó cổ vũ cho cái ác với động vật và gây ra những rủi ro cho sức khỏe cộng đồng như bùng phát bệnh dại. Trong khi đó, nhiều người Indonesia xem việc ăn thịt chó không khác gì ăn thịt gà hoặc thịt bò và phản đối đề xuất cấm món khoái khẩu này của họ.
Dicky Senda, một nhà văn và nhà hoạt động về thực phẩm làm việc tại Mollo, Đông Nusa Tenggara, cho biết hoạt động buôn bán thịt chó đã bùng nổ ở tỉnh này trong những năm gần đây, bằng chứng là sự mọc lên như nấm của các quầy hàng bán thịt chó nấu với các loại gia vị thơm.
“Theo nghiên cứu của chúng tôi, người Mollo vốn không có truyền thống ăn thịt chó”, ông Senda nói với Al Jazeera. “Chó là loài vật quan trọng trong văn hóa Mollo, chúng được coi là bạn, là người thân. Đó là lý do tại sao hình in chân chó là một họa tiết phổ biến trong vải dệt của người Mollo. Trong cộng đồng chăn nuôi và săn bắn này, chó được coi là động vật hữu ích. Tôi không biết chính xác từ khi nào, nhưng bây giờ việc ăn thịt chó ngày càng trở nên phổ biến”.
Nhà văn Senda cho biết, các nhà hàng thịt chó ở Đông Nusa Tenggara nở rộ đến mức người bán phải chật vật tìm nguồn cung.
Điều này lại dẫn đến một xu hướng tiêu cực là kẻ xấu đánh bả những con chó lang thang trên đường phố bằng thức ăn tẩm kali, khiến chúng bất tỉnh mà không ảnh hưởng đến thịt. “Tôi đã mất 5-6 con chó trong mấy năm vừa rồi”, ông Senda cho biết.
Những vụ việc như vậy xảy ra trên khắp đất nước. Tổ chức Dog Meat Free Indonesia trong nhiều năm đã vận động chính phủ cấm ăn thịt chó, và một số chính quyền địa phương đã ra luật coi bán thịt chó là bất hợp pháp.
Năm ngoái, một người kinh doanh ở Trung Java đã trở thành người đầu tiên bị truy tố vì tội buôn bán thịt chó. Người này đã phải nhận bản án 10 tháng tù giam và khoản tiền phạt 10.000 USD sau khi cảnh sát phát hiện hơn 70 con chó nhốt trong một chiếc xe tải để vận chuyển đến các nhà hàng.
Trở lại Medan, ông Sihombing, người đã ăn thịt chó từ khi còn là một đứa trẻ, không thấy lý do gì để cấm loại thịt mà ông cho là rất ngon này.
“Bạn không thể giết hổ hoặc voi vì chúng đang có nguy cơ tuyệt chủng và việc nhân giống chúng rất khó, nhưng có rất nhiều chó. Khi chúng sinh nở, người ta lại có những đàn con nhiều hơn”, ông Sihombing lập luận. “Lý do pháp lý nào khiến ta không được phép giết và ăn thịt một con chó nếu ta có thể giết và ăn thịt những con vật khác?”
Maria Tarigan, chủ nhà hàng thịt chó Lau Dimbo Simalem, nói rằng mặc dù không phải tất cả người Batak đều ăn thịt chó, nhưng nhiều người lại ưa chuộng loại thịt này vì mục đích chữa bệnh, dù không có bằng chứng rõ ràng cho hiệu quả đó.
Tarigan nói: “Thịt chó tốt cho bệnh sốt phát ban và sốt xuất huyết và thậm chí còn tốt nếu bạn bị nhiễm COVID. Tôi là bằng chứng về điều đó. Tôi mắc COVID, sau đó tôi uống súp chó và nó đã giúp tôi khỏe hơn ”.
Trong thời kỳ cao điểm của đại dịch COVID-19, nhà hàng này đã kinh doanh rầm rộ món súp thịt chó. Tarigan cho biết, khách hàng đổ xô đến đặt mua súp cho người thân mắc COVID-19 đang điều trị trong bệnh viện.
Nhưng trở thành chủ một nhà hàng thịt chó cũng đi kèm với những thách thức riêng. Tarigan cho biết đơn đăng ký kinh doanh của cô với GoFood, một ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến phổ biến ở Indonesia, đã bị từ chối, mặc dù cô có thể giới thiệu nhà hàng của mình trên GoShop.
Tarigan nói rằng cô nghi ngờ mình không thể đăng ký GoFood vì nhà hàng của cô chỉ phục vụ thịt chó. Mỗi ngày nhà hàng thường giết 3-4 con chó mới đáp ứng đủ nhu cầu, và giết thịt 21 con chó mỗi tuần.