Ngành hàng xa xỉ toàn cầu trước sóng gió từ cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã phá vỡ kỳ vọng về sự phục hồi do Washington thúc đẩy trên thị trường hàng xa xỉ trong năm nay, vì thuế quan đe dọa kéo dài sự sụt giảm nhu cầu đối với túi xách và đồng hồ cao cấp.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Getty Images

Những kỳ vọng về một sự phục hồi trong ngành hàng xa xỉ, dẫn dắt bởi đà tăng chi tiêu từ Mỹ, đã bị phá vỡ khi căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục phủ bóng lên triển vọng tiêu dùng toàn cầu. Cuộc đối đầu về thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không chỉ kéo dài mà còn đang làm xói mòn lòng tin của người tiêu dùng – một yếu tố sống còn đối với thị trường xa xỉ.

Theo tờ Financial Times, Mỹ và Trung Quốc đã tăng cường áp thuế trả đũa lẫn nhau, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng và nhu cầu đối với các mặt hàng như túi xách và đồng hồ cao cấp. Trước bối cảnh bất ổn địa chính trị và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng, các tổ chức phân tích đã đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng trên toàn ngành hàng xa xỉ.

Cụ thể, Bernstein – một trong những tổ chức phân tích hàng đầu – dự báo doanh thu ngành hàng xa xỉ toàn cầu sẽ phải chịu mức giảm 2% vào năm 2025, đảo ngược dự đoán trước đó là tăng trưởng 5% do bất ổn kinh tế và khả năng suy thoái toàn cầu gia tăng.

“Kịch bản cơ sở hiện tại là bất kỳ sự phục hồi nào cũng sẽ bị trì hoãn ít nhất đến năm 2026”, một chuyên gia tài chính trong ngành nhận định.

Sự bất ổn trong các chính sách thuế quan của Chính quyền Mỹ càng làm gia tăng sự không chắc chắn trong môi trường kinh doanh. Mặc dù vào cuối tuần trước, Tổng thống Trump đã thông báo miễn thuế đối ứng cho các mặt hàng công nghệ Trung Quốc, nhưng chỉ vài ngày sau, ông lại tuyên bố sẽ áp mức thuế riêng đối với hàng điện tử tiêu dùng – điều này phản ánh rõ ràng sự bất ổn định trong các quyết định chính sách. Dù Tổng thống Trump vẫn có thể điều chỉnh chiến lược, các chuyên gia phân tích cho rằng phần lớn thiệt hại đã xảy ra và khó có thể khôi phục.

Tập đoàn LVMH, đại diện tiêu biểu của ngành hàng xa xỉ, đang chịu áp lực lớn. Tháng 1, tỷ phú Bernard Arnault, Chủ tịch LVMH, đã tới Washington tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Trump và sau đó ca ngợi “làn gió lạc quan” đang lan tỏa khắp Mỹ. Ông trùm xa xỉ này cho biết vào thời điểm đó, ông đã cân nhắc tăng sản lượng của LVMH tại Mỹ. Tuy nhiên, kỳ vọng này đang bị thử thách bởi biến động chính sách.

Chú thích ảnh
Ông Arnault đã biến LVMH thành một “ông lớn” hàng xa xỉ. Ảnh: Forbes

Ngân hàng Barclays dự báo doanh số hữu cơ mảng thời trang và đồ da – lĩnh vực cốt lõi của LVMH – sẽ giảm 1% trong quý đầu tiên, trong khi tổng doanh số của tập đoàn có thể chỉ ngang bằng cùng kỳ năm trước.

Bà Luca Solca, chuyên gia phân tích cấp cao tại Bernstein, giữ nguyên quan điểm bi quan bất chấp việc Mỹ tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày đối với các quốc gia thể hiện thiện chí đàm phán về các thỏa thuận thương mại với Mỹ.

“Không thể đơn giản quay lại mức tăng trưởng cũ như thể mọi thứ chưa từng xảy ra. Những tổn thất về niềm tin và thị trường tài chính là thực chất, gây ra bởi các chính sách đột ngột và thiếu nhất quán”, bà Solca cho biết.

Sau giai đoạn bùng nổ doanh thu trong đại dịch, khi người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu mạnh cho hàng hiệu, ngành hàng xa xỉ đang đối mặt với một chu kỳ suy thoái. Nguyên nhân là việc thắt chặt chi tiêu của tầng lớp trung lưu và tình trạng tăng trưởng trì trệ tại Trung Quốc – thị trường chiến lược. Cuộc chiến thương mại chỉ càng làm trầm trọng thêm tình hình, đặc biệt khi Trung Quốc đang là mục tiêu trực tiếp của các chính sách thuế trừng phạt từ Mỹ.

Hiện tại, mức thuế Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc đã lên tới 145%, trong khi Trung Quốc đáp trả bằng mức thuế 125% đối với hàng Mỹ. Dù phần lớn hàng xa xỉ được sản xuất tại Pháp, Italy và Thụy Sĩ – các nước đang chịu thuế 10% từ Mỹ – thì tác động lan tỏa từ sự bất ổn là không thể tránh khỏi.

Một giám đốc điều hành tiết lộ rằng công ty của ông đã phải điều chỉnh mức thuế áp dụng cho hàng xuất sang Mỹ tới ba lần chỉ trong vòng một tuần.

“Sự mất niềm tin đang trở nên dai dẳng, trong khi bất định là liều thuốc độc cho tâm lý tiêu dùng. Đó là môi trường lý tưởng cho một cuộc suy thoái kinh tế”, ông cảnh báo.

Tuy các thương hiệu hàng đầu vẫn có thể ứng phó phần nào bằng cách tăng giá để bảo vệ biên lợi nhuận, thì thiệt hại lớn nhất lại đến từ yếu tố tâm lý – yếu tố mang tính nền tảng đối với tiêu dùng hàng xa xỉ.

Thị trường chứng khoán toàn cầu giảm sâu trong năm nay cũng gây ra hiệu ứng “của cải bốc hơi”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng chi tiêu của người mua sắm cao cấp. Ông Bruno Pavlovsky, Chủ tịch mảng thời trang của Chanel, nhận xét rằng doanh thu bán lẻ của hãng gần như “di chuyển cùng nhịp” biến động của thị trường tài chính.

Ông Erwan Rambourg, Giám đốc điều hành tại HSBC, cũng cảnh báo rủi ro đang đến từ ba yếu tố đồng thời: sự giảm sút tài sản, sức mua suy yếu tại Mỹ và niềm tin tiêu dùng bị xói mòn.

“Chúng tôi dự báo số lượng champagne được khui trong năm nay sẽ giảm đáng kể”, ông nói.

Ngân hàng HSBC đã điều chỉnh kỳ vọng tăng trưởng doanh thu ngành hàng xa xỉ năm 2025 tăng 5% về mức không tăng trưởng (0%). Trước đó, ngân hàng này từng nâng hạng phần lớn cổ phiếu xa xỉ vào cuối năm 2024 với kỳ vọng hưởng lợi từ đà chi tiêu hậu đại dịch – niềm tin nay đã không còn.

Ngay cả kỳ vọng về “sự phục hồi nhẹ” tại Trung Quốc sau một năm 2024 đầy khó khăn cũng đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Dù vậy, vẫn có những điểm sáng hiếm hoi trong ngành – tiêu biểu là Hermès. Công ty Barclays dự báo doanh số của Hermès sẽ tăng 8% trong quý đầu tiên, nhờ sức hút không suy giảm từ các dòng sản phẩm cao cấp như túi Birkin.

Ngược lại, Kering – tập đoàn mẹ của Gucci – đang phải gồng mình chống đỡ. Barclays dự báo doanh số Gucci sẽ giảm mạnh tới 25% trong quý đầu năm, còn Bernstein cảnh báo rằng mục tiêu duy trì doanh thu và lợi nhuận ổn định của tập đoàn vào năm 2025 hiện đang trở nên “gần như bất khả thi”.

Hải Vân/Báo Tin tức
Giáo sư kinh tế Mỹ nhận định về chiến lược thuế quan của Tổng thống Trump
Giáo sư kinh tế Mỹ nhận định về chiến lược thuế quan của Tổng thống Trump

Thị trường tài chính Mỹ bùng nổ sau một cú “quay xe” khó đoán từ Tổng thống Trump.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN