Ở các trường học trên thế giới, ban lãnh đạo cũng như các giáo viên đã tìm ra những phương pháp để giúp các em học sinh điều hòa tâm lý, hành vi, giải tỏa được những lo lắng, áp lực, từ đó ngăn chặn được những vụ việc đau lòng.
Học cách kiểm soát cơ thể
Tại trường trung học phổ thông Westfield (bang Texas, Mỹ), cứ mỗi chiều thứ 3 hàng tuần, cô giáo Natalie Messmore lại mở một lớp tập yoga giúp các em học sinh giải tỏa căng thẳng.
“Chúng tôi tập trung vào việc điều hòa hơi thở và các bộ phận khác của cơ thể thông qua bài tập yoga. Thực sự đây là một cơ hội để các em trải nghiệm và thực hành với cơ thể, tâm trí và hơi thở”, cô Natalie giải thích.
Vốn là một giáo viên dạy làm gốm và điêu khắc tại trường trung học, song Natalie có 7 năm kinh nghiệm tập luyện yoga. Cô giáo cho biết yoga là một cách tốt để học sinh thoát khỏi áp lực học hành và các hoạt động ngoại khóa, đặc biệt là trong các kỳ thi cuối kỳ. Lớp học của cô giáo Natalie hoan nghênh bất kỳ ai tới học và khuyến khích cá nhân ở mọi cấp độ kỹ năng tham gia.
Trong khi đó, tại Na Uy, trường trung học phổ thông Upper Michigan lại chọn một môn thể thao cần nhiều sức lực hơn như leo khối đá để giúp các em học sinh.
“Leo núi là một trong những môn thể thao dạy cho các em rất nhiều điều về cơ thể mình. Nó dạy các em chú ý đến cơ thể các em đang muốn nói gì”, Evan Blagec, giáo viên hướng dẫn bộ môn leo núi trong nhà, giải thích.
Jaqueline Leiker – một trong nhóm giáo viên hướng dẫn - cho biết mục tiêu của cô là tạo cơ hội cho học sinh tìm hiểu về lối sống lành mạnh từ cộng đồng.
“Các em học sinh cùng tôi thảo luận về tầm quan trọng của thể chất, xã hội, cảm xúc. Chúng tôi thích vận động. Học sinh cảm thấy hứng thú khi không còn ngồi ỳ trong lớp học và tận hưởng niềm vui khi leo núi đá. Môn thể thao giúp giải tỏa căng thẳng cho mọi người, vì các em biết không phải lúc nào cũng chỉ tập trung vào việc học trên lớp”, cô Leiker chia sẻ.
Theo một nghiên cứu của nhóm giáo sư Đại học Canada xuất bản trên Tạp chí Thuốc và Đời sống vào tháng 9/2022, hoạt động thể chất mang lại vô số lợi ích cho sức khỏe tâm thần. Đặc biệt, các hoạt động mạnh như đấm bốc có thể giúp giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng cũng như chất lượng cuộc sống tới 94%.
Tại trường trung học phổ thông Nam Canton (bang Ohio, Mỹ), nhà trường đã mở ra một phòng đấm bốc có tên gọi “Take Ten”. Khi học sinh gặp trở ngại về sức khỏe tâm lý hoặc đơn giản là cần nghỉ ngơi để giúp tập trung trong giờ học tiếp theo, phòng đấm bốc là một lựa chọn hoàn hảo.
“Chúng tôi cần dừng lại và nhìn vào những đứa trẻ này. Nhu cầu của các em cần được ưu tiên giải quyết, rồi sau đó mới đến việc học tập. Chúng tôi không thể dạy một đứa trẻ đang gặp khủng hoảng tâm lý được”, giáo viên dạy sinh học Nancy Q. Miller – người đứng đằng sau sáng kiến phòng đấm bốc – chia sẻ.
Bà Miller cho biết ý tưởng này khởi nguồn từ quá trình điều trị bệnh Parkinson. Trị liệu bằng phương pháp đấm bốc giúp kích thích sự phát triển của não bộ. Khi hoạt động tích cực, não bộ sẽ sản sinh ra các loại hormone tốt và giúp điều chỉnh cảm giác cho dù sự căng thẳng, sự tức giận, nỗi thất vọng đang diễn ra.
Theo bà Miller, học sinh có thể đăng ký để được phép rời khỏi lớp và đến căn phòng giải tỏa này. Các em sẽ được tự do đấm vào các bao cát treo trong 10 phút. Mỗi lần đến căn phòng này, các em cần quét mã QR, hoàn thành bản khảo sát 20 câu hỏi bao gồm các câu như “Em đang cảm thấy vui hay buồn? Em có cảm thấy lo lắng không?”. Sau khi kết thúc 10 phút giải tỏa, các em sẽ hoàn thành bản khảo sát một lần nữa.
“Chứng kiến sự thay đổi của một người từ lúc đi vào cho đến lúc ra thật sự rất tuyệt vời. Em dùng căn phòng này 3 lần một tuần. Hoạt động này rất cần thiết. Em có thời gian cho riêng mình và trút bỏ cơn giận của bản thân mà không làm hại ai”, Makayla Szerokman – một học sinh cuối cấp – cho hay.
Làm bạn với động vật
Liệu pháp thú cưng là liệu pháp dùng lợi ích từ những tương tác với động vật để hỗ trợ phục hồi tinh thần và thể chất. Hình thức trị liệu này nhấn mạnh mối quan hệ giữa con người và động vật.
Tại trường tiểu học Morris (bang Oklahoma, Mỹ), cố vấn tâm lý Kelli Baker rất ngạc nhiên với sự thay đổi của học sinh sau khi chó Kalani xuất hiện. Thi thoảng một vài em học sinh sẽ xuất hiện trước cửa phòng cô, xin phép vào và tiến thẳng tới cô chó trị liệu. Các em bắt đầu vuốt ve, vùi mặt vào bộ lông đen mượt của Kalani và bắt đầu học thở chậm lại. Đây là một trong những kỹ thuật thở và giữ bình tĩnh mà các giáo viên tại trường Morris muốn học sinh học theo để tự trấn an mình khi gặp căng thẳng. Tuy nhiên, kể từ khi Kalani xuất hiện, không cần ai dạy, các em đều có thể thực hiện kỹ thuật đó theo trực giác của mình.
Việc dùng chó trị liệu chính thức bắt đầu được sử dụng trong các bệnh viện vào những năm 1970, nhưng điều nay đã trở nên phổ biến hơn trong những thập kỷ gần đây, đặc biệt là trong môi trường giáo dục.
Nhà trị liệu VonLintel cho biết chó trị liệu ở trường học không chỉ là thú cưng trong lớp học. Thay vào đó, nhân viên xã hội trường học, cố vấn, nhà trị liệu vật lý, chuyên gia can thiệp hành vi và giáo viên giáo dục đặc biệt sẽ tìm cách lồng ghép con vật thực hiện các nhiệm vụ cụ thể đối với từng học sinh.
Ví dụ, đối với học sinh chậm phát triển về mặt tâm thần, các em có thể cải thiện kỹ năng giao tiếp bằng cách hướng dẫn con chó ngồi xuống hoặc ở yên. Hay một số trẻ có thể học cách quản lý hành vi bằng cách nhận biết các dấu hiệu cảm xúc của một con chó.
Tại trường trung học phổ thông West Wyalong (Australia), chú lừa Bria 10 tháng tuổi đã được đưa đến để giúp đỡ các học sinh gặp khó khăn trong học tập và gặp các vấn đề về tâm lý.
Brianna Hanrahan – một học sinh lớp 12 – cho biết ngay sau khi đến, Bria đã trở thành một hiện tượng trong trường học.
“Chúng em thi cử rất vất vả, gặp nhiều căng thẳng và lo lắng. Nhưng Bria sẽ giúp chúng em bình tĩnh. Chúng em chỉ cần cùng Bria đi dạo quanh sân, vuốt ve và mỉm cười với nó. Mọi chuyện sẽ tan biến”, Brianna chia sẻ.
Ứng dụng công nghệ cao
Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất so với bất kỳ quốc gia phát triển nào. Tại “xứ sở kim chi”, tự tử là nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ 4 và con số này đặc biệt cao ở những người trẻ tuổi. Học sinh Hàn Quốc cho biết yêu cầu cao từ hệ thống giáo dục siêu cạnh tranh và áp lực học hành đã dẫn tới tình trạng trầm cảm, căng thẳng tột độ.
Đối phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, năm 2015, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã khởi động một ứng dụng điện thoại thông minh được thiết kế để sàng lọc các bài đăng, tin nhắn và tìm kiếm trên mạng xã hội của học sinh về các từ liên quan đến tự tử. Ứng dụng sẽ gửi cảnh báo đến phụ huynh của những học sinh được xác định là có nguy cơ.
Mặc dù ứng dụng này đã được nhiều phụ huynh đón nhận song Bộ Giáo dục Hàn Quốc vẫn vấp phải chỉ trích vì không triệt để xử lý gốc rễ của vấn đề, bao gồm giảm tải áp lực học tập và vẫn còn quan điểm kỳ thị liệu pháp điều trị sức khỏe tâm lý đối với học sinh.