Theo đài phát thanh giao thông Thanh Đảo đưa tin vào ngày 8/4, một giáo viên họ Bai ở tỉnh Sơn Tây đã nghĩ ra một chiếc hộp bí mật, cho phép các em học sinh lớp 5 trong lớp mình giấu tên viết ra những lo lắng như một cách để xả bỏ lo lắng và ngăn ngừa những hậu quả đau lòng hơn.
Trong khi người dùng mạng xã hội hoan nghênh sáng kiến thấu đáo của giáo viên Bai trong bối cảnh nền giáo dục Trung Quốc chứng kiến gia tăng xu hướng thanh thiếu niên tự tử thì họ cũng phát hiện ra rằng đằng sau những dòng tâm sự của các em nhỏ là những vấn đề phổ biến trong các gia đình như cha mẹ đánh nhau, cha mẹ ly thân. Tất cả đó là vấn đề của người lớn nhưng lại để vết thương lòng nơi con trẻ.
Những câu chuyện mà các em kể ra đều hiện hữu trong các gia đình. Một em đã viết: “Bố mẹ con luôn cãi nhau vì tiền”. Một bé khác thì chia sẻ: “Bố mẹ con cãi nhau. Bố mẹ quyết định ly hôn và giành quyền nuôi em trai 3 tuổi. Bố giành được quyền nuôi em nên mẹ con khóc suốt ngày”.
“Bố mẹ con đi làm ở thành phố và không thường xuyên về nhà. Gia đình con rất nghèo và con luôn sợ mình làm việc gì sai trái”, em bé thứ 3 tâm sự.
Trong khi có nhiều em lại phàn nàn rằng bố mẹ gây áp lực trong việc học tập và không có quyền riêng tư.
Phần lớn những mối lo của các em bày tỏ trong “hộp lo lắng” đều là về bố mẹ hoặc thành tích học tập.
Giáo viên Bai cho biết những ghi chú bí mật mà cô đăng lên mạng đã được sự đồng ý của học sinh. Điều này khiến cô nhận ra việc nuôi dạy con cái và giáo dục khó khăn như thế nào. Những dòng ghi chú cũng đã được đưa cho phụ huynh học sinh để họ có thể từ đó điều chỉnh lại cách nuôi dạy con cái của mình.
Theo Thời báo Hoàn cầu, trong nhiều năm qua, gánh nặng học tập của học sinh Trung Quốc không ngừng tăng lên, góp phần khiến các vấn đề tâm lý và tỷ lệ tự tử tại trường học ở quốc gia này luôn ở mức cao và trở thành một vấn đề nan giải đối với các nhà làm giáo dục.
Mới đây, vụ việc một em nam học sinh 15 tuổi ở Giang Tây treo cổ vì kết quả học tập kém đã làm xã hội Trung Quốc chấn động. Sau khi điều tra, các chuyên gia tâm lý kết luận Hu bị cô lập và thiếu hỗ trợ về mặt cảm xúc. Em ấy bị mất ngủ và rối loạn chức năng nhận thức như không thể tập trung và khó khăn khi ghi nhớ sau khi bắt đầu học tại trường trung học cơ sở Zhiyuan từ tháng 9/2022.
Chu Zhaohui, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia, cho rằng áp lực học tập là lý do chính khiến học sinh Trung Quốc tự tử ở các trường tiểu học và trung học cơ sở.
Áp lực lớn liên quan đến một hệ thống đánh giá giáo dục duy nhất coi trọng điểm số mà bỏ qua nhu cầu cảm xúc, tâm lý của học sinh và vấn đề quan trọng là tăng cường khả năng tự chủ.
Nhiều trường hợp đã cho thấy việc được tư vấn tâm lý kịp thời đã tạo ra những kết quả khác nhau rất nhiều đối với những em bị vấn đề về tâm lý. Nhà nghiên cứu Chu lưu ý các trường học nên thiết lập một hệ thống giáo dục tâm lý và ngăn ngừa tự tử cũng như nỗ lực giảm áp lực học tập.
Tháng 12/2019, chính quyền Trung Quốc đã đưa ra một kế hoạch hành động chung với trọng tâm cụ thể là sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên. Kế hoạch yêu cầu đến năm 2022, tất cả các cấp và loại trường học phải thành lập nền tảng dịch vụ tâm lý để cung cấp các dịch vụ sức khỏe tâm thần cho học sinh. Kế hoạch cũng nêu rõ 60% bệnh viện chăm sóc sức khỏe tâm thần ở cấp thành phố trở lên nên xây dựng các dịch vụ điều trị ngoại trú cho trẻ em và thanh thiếu niên.