AIIB công bố ba thành viên mới là Benin, Djibouti và Rwanda tại hội nghị thường niên ở Luxembourg ngày 13/7. Đây là lần đầu tiên ngân hàng này tổ chức họp kéo dài 2 ngày bên ngoài châu Á kể từ khi được thành lập vào cuối năm 2015.
Mặc dù AIIB vẫn chưa đạt được quy mô của Ngân hàng Thế giới, vốn có 189 thành viên và luôn do Mỹ dẫn đầu, nhưng vẫn lớn hơn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có 68 thành viên.
Phó Chủ tịch AIIB Danny Alexander tuyên bố: “Hiện giờ chúng tôi có thành viên từ tất cả các châu lục”.
Việc phát triển AIIB được coi là thành công về chính trị đối với Trung Quốc. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết Mỹ không phải là thành viên của AIIB và coi ngân hàng này là công cụ thực hiện tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh. Tuy nhiên, Trung Quốc đã thuyết phục thành công đồng minh then chốt của Mỹ là Anh gia nhập AIIB.
Nhà kinh tế học Alicia Garcia-Herrero tại ngân hàng Natixis cho biết: “Thực tế Mỹ không gia nhập AIIB chỉ góp phần khiến Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hơn ngân hàng này, quyết định của Mỹ là một sai lầm”.
Đến cuối năm 2018, 35 dự án cơ sở hạ tầng ở 13 quốc gia (Indonesia, Pakistan, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập...) đã được AIIB cho vay 7,5 tỷ USD.
Theo một báo cáo năm 2010 của ADB, ước tính châu Á cần 8.000 tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng trước năm 2020.
Nhà nghiên cứu Stephen Olson tại Quỹ Hinrinch cho rằng không nên coi AIIB là một đối thủ cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.