Hãng thông tấn AP (Mỹ) đưa tin đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an ngày 14/4 về Yemen phát biểu rằng Chương trình Lương thực Thế giới đánh giá quốc gia nghèo nhất thê giới Arab này là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi giá lúa mì tăng do thiếu hụt nguồn nhập khẩu từ Ukraine. Bà cho rằng Yemen là ví dụ cho thấy ảnh hưởng từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Phó đại sứ Nga tại LHQ Dmitry Polyansky sau đó phản bác: “Yếu tố chính đối với bất ổn định và nguồn cơn của các vấn đề ngày hôm nay không phải chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine mà là các lệnh trừng phạt áp đặt lên Moskva nhằm cắt nguồn cung từ Nga cũng như chuỗi cung ứng, ngoại trừ nguồn cung những quốc gia phương Tây cần, nói cách khác là năng lượng”.
Ông Dmitry Polyansky bổ sung: “Nếu thực sự muốn giúp thế giới tránh khỏi một cuộc khủng hoảng lương thực, cần nới lỏng lệnh trừng phạt mà chính các bạn đã áp đặt và các nước nghèo sẽ lập tức cảm nhận được sự khác biệt”.
Phần đối đáp giữa Mỹ và Nga liên quan đến giá lương thực diễn ra chỉ một ngày sau khi LHQ cảnh báo rằng xung đột Nga-Ukraine đe dọa đến kinh tế nhiều quốc gia đang phát triển khi giá thực phẩm và năng lượng tăng cao, gây thêm khó khăn cho tình trạng tài chính.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết: “Khoảng 1,7 tỷ người, với 1/3 trong đó đang sống ở mức nghèo khổ, phải đối mặt với gián đoạn thực phẩm, năng lượng và hệ thống tài chính dẫn đến gia tăng đói nghèo”.
Theo ông Antonio Guterres, có 36 quốc gia trên thế giới ghi nhận hơn 50% lượng lúa mì nhập khẩu của họ bắt nguồn từ Nga và Ukraine, trong đó có một số quốc gia được coi là nghèo nhất thế giới. Giá lúa mì và ngô đã tăng 30% kể từ đầu năm nay.
Tổng Thư ký Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), Rebeca Grynspan nói rằng 1,7 tỷ người tại 107 quốc gia đã rơi vào ít nhất một trong những khía cạnh của khủng hoảng như giá thực phẩm tăng, giá năng lượng đi lên và tình trạng tài chính thắt chặt.
Có 69 quốc gia, với dân số 1,2 tỷ người, phải hứng chịu cả 3 khủng hoảng. Trong đó có 25 quốc gia ở châu Phi, 25 quốc gia châu Á và Thái Bình Dương cùng 19 nước Mỹ Latin và Caribbean.
LHQ ngày 14/4, tuyên bố sẽ chi 100 triệu USD từ quỹ khẩn cấp cho 7 quốc gia đang là tâm điểm của nạn đói bao gồm Yemen cùng Somalia, Ethiopia, Kenya, Sudan, Nam Sudan và Nigeria.