Theo tuyên bố của OIC, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp và tham vấn nhằm hỗ trợ các nỗ lực quốc tế đảm bảo hòa bình, ổn định toàn cầu, đặc biệt tại các nước thành viên OIC. Cuộc họp cũng bàn về những nỗ lực chung giải quyết các thách thức khu vực và quốc tế.
Cuộc thảo luận diễn ra nhân chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga tới Saudi Arabia để tham dự Hội nghị Bộ trưởng Hội đồng hợp tác Nga-Vùng Vịnh về Đối thoại chiến lược lần thứ 7 diễn ra tại thủ đô Saudi Arabia. Hội nghị dự kiến khai mạc ngày 9/9 với sự tham dự của Ngoại trưởng Nga và Ngoại trưởng 6 quốc gia A rập.
Liên quan đến tình hình Palestine, Đại hội đồng Liên hợp quốc có thể sẽ bỏ phiếu vào tuần tới về dự thảo nghị quyết của Palestine yêu cầu Israel chấm dứt "sự hiện diện bất hợp pháp của mình tại lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng" trong vòng 6 tháng.
Mục đích chính của dự thảo nghị quyết là hoan nghênh ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế vào tháng 7 cho rằng việc Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ và khu định cư của Palestine là bất hợp pháp và cần phải được rút lại.
Nhóm các nước Arập, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo và Phong trào Không liên kết ngày 9/9 đã yêu cầu ĐHĐ LHQ gồm 193 thành viên bỏ phiếu vào ngày 18/9.
Cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra chỉ vài ngày trước khi các nhà lãnh đạo thế giới đến New York để tham dự cuộc họp thường niên tại Liên hợp quốc.
Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc Danny Danon đã kêu gọi Đại hội đồng bác bỏ dự thảo nghị quyết này và thay vào đó thông qua một nghị quyết lên án Hamas và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho tất cả các con tin.
Cuộc xung đột hiện nay tại Dải Gaza bùng nổ ngày 7/10/2023 khi các tay súng Hamas tấn công các cộng đồng của Israel, khiến 1.200 người thiệt mạng và bắt giữ khoảng 250 con tin. Kể từ đó, quân đội Israel đã san phẳng nhiều vùng đất của Palestine, khiến gần như toàn bộ 2,3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa lánh nạn, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng. Theo thống kê của cơ quan y tế Palestine, cuộc xung đột này đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 40.000 người Palestine.