Trong một hành động hợp tác hiếm hoi kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, Nga và Mỹ sẽ tiếp tục cùng nhau gửi các phi hành gia lên ISS. Tin tức này xuất hiện ngay sau khi ISS kỷ niệm 25 năm thành lập.
Cụ thể, theo cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos, các cơ quan vũ trụ của Nga và Mỹ đã đồng ý hợp tác để cùng gửi phi gia tới Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) cho đến ít nhất là năm 2025.
Roscosmos cho biết cái gọi là các chuyến bay xen kẽ - liên quan đến việc cử một phi hành gia Mỹ tham gia phi hành đoàn tàu vũ trụ Nga và một phi hành gia Nga tham gia phi hành đoàn Mỹ - đã được mở rộng "để duy trì độ tin cậy trong hoạt động tại ISS".
Sự hợp tác hiếm hoi giữa Mỹ và Nga
Lĩnh vực vũ trụ là một trong số ít lĩnh vực còn lại mà Moskva và Washington tiếp tục hợp tác kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022.
Trong tuyên bố của mình, Roscosmos cũng cho biết sự mở rộng thời gian hợp tác nhằm mục đích “đảm bảo sự hiện diện của ít nhất một đại diện của Roscosmos về phía Nga và sự hiện diện của ít nhất một đại diện của NASA ở phía Mỹ”.
Mỹ, Nga, châu Âu, Canada và Nhật Bản cho đến nay chỉ cam kết duy trì hoạt động của ISS cho đến năm 2024, mặc dù Washington cho biết họ muốn tiếp tục hoạt động đến năm 2030.
Về phần mình, Nga hồi tháng 4 nêu rõ họ muốn tiếp tục tham gia cho đến năm 2028, sau khi trước đó tuyên bố sẽ rút lui sau năm 2024.
ISS, được thiết kế để thực hiện các thí nghiệm về môi trường không gian và vi trọng lực xung quanh Trái đất ở độ cao trung bình 400 km. ISS chỉ cần khoảng 93 phút để quay một vòng quanh trái đất, hoàn thành 15,5 vòng quay theo quỹ đạo mỗi ngày.