Theo thông tin chính thức, tập đoàn Uranium One của Nga có kế hoạch đầu tư khoảng 450 triệu USD vào một dự án thí điểm sản xuất lithium ở Bolivia. Kênh DW (Đức) cho biết nhiều ý kiến kỳ vọng rằng hợp đồng lớn về quyền sử dụng nguyên liệu thô có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra ở Bolivia trong trung hạn.
Các nhà địa chất nhận định Bolivia có tiềm năng sở hữu trữ lượng lên tới 23 triệu tấn lithium. Nếu được xác nhận, con số này sẽ khiến Bolivia trở thành quốc gia có trữ lượng lithium lớn nhất thế giới. Kim loại này vốn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất pin cho xe điện, điện thoại thông minh, các thiết bị điện tử... Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhu cầu về lithium của ngành năng lượng sẽ tăng gấp 42 lần vào năm 2040.
Bà Karla Calderon, chủ tịch công ty lithium thuộc sở hữu nhà nước YLB, đã phác thảo dự án sẽ được thực hiện tại làng Colcha K thuộc khu vực Potosi theo ba giai đoạn.
Trong giai đoạn đầu tiên, mục tiêu là sản xuất 1.000 tấn lithium cacbonat mỗi năm. Giai đoạn thứ hai tăng lên tới 8.000 tấn và thêm 5.000 tấn nữa trong giai đoạn ba. Trọng tâm sẽ là sản xuất thân thiện với môi trường nhất có thể.
Hợp đồng này là thỏa thuận thứ hai được ký với công ty con của công ty nhà nước Rosatom Nga. Vào tháng 6, các bên ký kết đã đồng ý xây dựng khu liên hợp công nghiệp lithium cacbonat ở Pastos Grandes.
Chuyên gia Vladimir Rouvinski tại Đại học Icesi (Colombia) phân tích: “Cạnh tranh về lithium rất gay gắt”. Ông cũng nhận định rằng Chính phủ Bolivia đang tỏ ra ưu tiên các công ty Trung Quốc và Nga.
Trung Quốc cũng đã có nhiều hiện diện tại quốc gia sở hữu trữ lượng lithium lớn nhất thế giới này. Tập đoàn sản xuất pin CATL của Trung Quốc vào tháng 6 đã xác nhận đầu tư tổng cộng 1,4 tỷ USD xây dựng các nhà máy khai thác lithium tại Bolivia.
Nhưng Tổng thống Luis Arce cũng để ngỏ cánh cửa cho các đối tác khác ngoài Nga và Trung Quốc. Gần đây, ông Arce chia sẻ: “Các chuyến thăm của chúng tôi tới Liên minh châu Âu (EU), Brazil và nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) cho thấy rõ ràng rằng có quan tâm lớn đến lithium của Bolivia”.
Ông Arce biết Bolivia có thể đạt được tiến bộ nhanh hơn trong việc khai thác trữ lượng lithium nhưng nhà lãnh đạo này cảnh báo không nên tiến hành vội vã.
Bolivia cùng các nước láng giềng Chile và Argentina tạo nên “tam giác lithium”, nơi có trữ lượng kim loại này lớn nhất thế giới. Chile và Argentina có trình độ sản xuất tiên tiến hơn.