Trong cuộc thảo luận của Hội đồng Bản an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về dự thảo nghị quyết về Xyri ngày 1/2 (giờ Việt Nam), Nga và Trung Quốc đã kịch liệt phản đối việc Liên đoàn Arập (AL) và phương Tây đề nghị LHQ can thiệp vào tình hình của quốc gia Trung Đông này.
Toàn cảnh cuộc họp của HĐBA LHQ về Xyri. |
Bản dự thảo nghị quyết, được AL và phương Tây bảo trợ, do Marốc lưu hành ngày 27/1 tại HĐBA, yêu cầu Tổng thống Xyri Bashar al-Assad chuyển giao quyền lực nhằm thành lập một chính phủ đoàn kết và chuẩn bị cho các cuộc bầu cử.
Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin đã công khai tuyên bố, bản dự thảo nghị quyết này “dường như không thể chấp nhận được” và Mátxcơva sẽ phủ quyết nó. Tân Hoa xã dẫn lời ông Churkin cho rằng “giải pháp cho cuộc khủng hoảng (ở Xyri) chỉ có thể đạt được bằng tiến trình chính trị toàn diện do người Xyri đứng đầu”. Đại sứ Nga cũng khẳng định, chỉ có nhân dân Xyri mới có thể quyết định vận mệnh của đất nước Xyri cũng như xây dựng tiến trình cải cách chính trị, kinh tế và xã hội cần thiết. Theo ông, trong bối cảnh khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Xyri, cộng đồng quốc tế không nên làm trầm trọng thêm vấn đề hay can thiệp bằng sức mạnh quân sự và các lệnh trừng phạt kinh tế”.
Nhà ngoại giao Nga cũng khẳng định có thể có một cơ hội cuối cùng để phá vỡ vòng xoáy bạo lực tại Xyri. Tuy nhiên, HĐBA LHQ không thể áp đặt các tham số cho một cuộc dàn xếp nội bộ vì cơ quan này không có nhiệm vụ làm điều đó.
Trước thềm cuộc họp của HĐBA LHQ, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 31/1 đã khẳng định, Mátxcơva sẽ không bao giờ để HĐBA LHQ thông qua hành động quân sự đối với Xyri.
Nga cũng đã đưa ra đề xuất tổ chức cuộc gặp không chính thức giữa các đại diện của chính phủ Xyri và phe đối lập ở Mátxcơva. Đề xuất này đã nhận được sự đồng ý Đamát và hy vọng cũng sẽ được phe đối lập Xyri chấp thuận.
Đồng quan điểm với Nga, Trung Quốc cũng phản đối mạnh mẽ việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Xyri và các hành động khác vi phạm mục tiêu cũng như tôn chỉ của Hiến chương LHQ và các quy tắc quan hệ quốc tế cơ bản. Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lý Bảo Đông phát biểu, quan điểm của Trung Quốc là cần tôn trọng các yêu cầu về cải cách và được bảo vệ lợi ích của nhân dân Xyri. Việc cấp thiết là chấm dứt ngay mọi hành động bạo lực ở Xyri. Nhà ngoại giao Trung Quốc cũng kêu gọi nhanh chóng bắt đầu một tiến trình chính trị toàn diện có sự tham gia của tất cả các bên ở Xyri để thúc đẩy cải cách, giải quyết bất đồng một cách hòa bình thông qua đối thoại.
Đại sứ Xyri tại LHQ, ông Bashar Jaafari cũng kịch liệt bác bỏ bản dự thảo nghị quyết trên, đồng thời khẳng định Đamát không chấp nhận nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của mình và sẽ đứng vững trước kẻ thù. Ông cáo buộc AL và các nước phương Tây chơi trò hai mặt và kích động khủng hoảng ở Xyri.
Trong khi đó, AL kêu gọi HĐBA hành động "nhanh chóng và quyết định" nhằm ngăn chặn bạo lực leo thang nghiêm trọng tại Xyri.
Phát biểu tại phiên họp của HĐBA, Chủ tịch AL – Thủ tướng Cata Sheikh Hamad bin Jassim al-Thani cảnh báo, nếu bản dự thảo nghị quyết trên không được thông qua “sẽ trở thành thông điệp khuyến khích chính phủ Xyri tiếp tục đàn áp người dân”, gây hậu quả nghiêm trọng cho hòa bình, an ninh, ổn định ở Xyri cũng như toàn khu vực. Tuy nhiên, ngài Chủ tịch AL cũng cho biết, các nước Arập “đang cố gắng” ngăn chặn hành động can thiệp của nước ngoài, đặc biệt là can thiệp quân sự, vào Xyri.
Tổng thư ký AL Nabil al-Arabi cũng tuyên bố, AL ủng hộ dự thảo kế hoạch của các nước Arập yêu cầu Tổng thống al-Assad chuyển giao quyền lực và đang nỗ lực tránh một hành động can thiệp vào Xyri.
Như để trấn an mối quan ngại này, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu trước HĐBA rằng hành động của LHQ nhằm chấm dứt bạo lực tại Xyri "sẽ không giống" những nỗ lực mà Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) thực hiện tại Libi hồi năm ngoái.
Liên quan đến Xyri, Nhà Trắng ngày 31/1 khẳng định, Tổng thống al-Assad đã mất quyền kiểm soát Xyri và cho rằng ông này "sẽ phải ra đi". Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper cũng tuyên bố chế độ của Tổng thống al-Assad chắc chắn sẽ sụp đổ trước làn sóng phản kháng của dân chúng, "vấn đề chỉ là thời gian".
Minh Dương (tổng hợp)