Nga thiệt hại 6,3 tỷ USD do các biện pháp trừng phạt của phương Tây

Ngày 18/2, công bố báo cáo hàng năm của Bộ Phát triển kinh tế LB Nga cho thấy, tính đến cuối năm 2018, đã có 62 quốc gia trên thế giới áp đặt các biện pháp hạn chế đối với hàng hóa của Nga, với tổng thiệt hại kinh tế lên tới 6,3 tỷ USD.

Chú thích ảnh
Vận chuyển hàng hóa tại cảng ở Saint Petersburg, Nga. Ảnh: AFP/ TTXVN

Đứng đầu danh sách những nước có các biện pháp hạn chế sản phẩm xuất xứ từ Nga là các nước Liên minh châu Âu (EU), tiếp đến lần lượt là Ukraine, Ấn Độ, Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Australia. Các biện pháp trừng phạt của EU đã gây thiệt hại lớn nhất đối với hàng hóa xuất khẩu của Nga, với hơn 2,4 tỷ USD, tiếp theo là Mỹ với hơn 1,1 tỷ USD, Ukraine 775 triệu USD, Thổ Nhĩ Kỳ 715 triệu USD.

Công nghiệp luyện kim là ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất do các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây, ước tính khoảng 4 tỷ USD. Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thiệt hại ước tính khoảng 1,1 tỷ USD, hóa chất 641 triệu USD, ngành công nghiệp ô tô 306 triệu USD.

Liên quan các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây, ngày 18/2, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Đuma quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky cho rằng Mỹ đứng đằng sau quyết định của EU áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Nga.

Phát biểu với báo giới, ông Slutsky nhấn mạnh, “sự đồng thuận chính trị” của các nước EU về các biện pháp trừng phạt mới chống Nga rõ ràng chịu sức ép từ phía Mỹ. Theo ông, không có gì nghi ngờ chính Washington đứng sau vụ khiêu khích ở Eo biển Kerch và đáng buồn hơn là EU một lần nữa tiến hành chính sách phụ thuộc và tiếp tục đi theo con đường của Mỹ. 

Cùng ngày, Thượng nghị sĩ Nga Sergei Tsekov cũng cho rằng các lệnh trừng phạt mới chống Nga, được EU thảo luận liên quan tới sự cố ở Eo biển Kerch, đang đẩy Kiev tới những hành động khiêu khích mới. Theo ông Tsekov, lập trường công khai chống Nga của EU sẽ có tác động tiêu cực đến việc thực thi các thỏa thuận hòa bình Minsk. 

Trước đó, ngày 13/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga của các nước phương Tây chủ yếu là kết quả từ sức ép mạnh mẽ của Mỹ và do đó, một lần nữa phản ánh sự thiếu độc lập của EU.

Hiện Mỹ và EU đang xem xét về việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga liên quan vụ đụng độ hải quân giữa Nga và Ukraine trên Eo biển Kerch hôm 25/11/2018. Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini tuyên bố các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga có thể sẽ thông qua trong vài ngày tới, khi khối này đã có sự đồng thuận chính trị về các biện pháp bổ sung.

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine, vốn kéo dài từ năm 2014 khi Moskva sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea, đã bị đẩy lên nấc thang nghiêm trọng mới sau vụ Nga bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine cùng thủy thủ đoàn tại khu vực Biển Đen gần Eo biển Kerch với cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải.

Ukraine gọi đây là "hành động có chủ định" của phía Nga, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng đây là một "sự cố biên giới" và việc Tổng thống Ukraine ban bố tình trạng chiến tranh trong 30 ngày tại 10 vùng giáp biên giới với Nga là "một phản ứng thái quá". Hai bên cũng đã có những biện pháp trừng phạt lẫn nhau sau vụ việc này.

Dương Trí - Phương Hoa (TTXVN)
Kinh tế Nga ít phụ thuộc vào giá dầu mỏ và biện pháp trừng phạt của phương Tây
Kinh tế Nga ít phụ thuộc vào giá dầu mỏ và biện pháp trừng phạt của phương Tây

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov khẳng định nền kinh tế nước này đã trở nên ít phụ thuộc vào các nhân tố bên ngoài như giá dầu mỏ và các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN