Phản ứng trước những lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, Bộ Ngoại giao Nga đã nhiều lần tuyên bố sẽ có hành động đáp trả xứng đáng đối với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Bản thân Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nhiều lần đe dọa sẽ sử dụng “vũ khí năng lượng” để chống EU, khu vực phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga. Châu Âu sẽ dễ bị "tổn thương" nếu Nga gián đoạn nguồn cung khí đốt cho khu vực trong thời gian tới. |
“Vũ khí năng lượng” của Nga sẽ trở nên quan trọng hơn nhiều khi mùa Đông đang tới, nhập khẩu khí đốt từ Nga của các nước châu Âu sẽ gia tăng đột biến. Tuy nhiên, theo báo chí Đức, khả năng Nga tiến hành trả đũa EU bằng việc sử dụng “vũ khí khí đốt” khó có khả năng xảy ra ngay cả khi mùa Đông đang đến gần.
Việc Nga hạn chế xuất khẩu khí đốt hoặc tăng giá mặt hàng này, việc từng được Nga sử dụng trong mùa Đông năm 2006 và 2009 đang được xem là nguy cơ lớn nhất đối với EU. Châu Âu nhập khẩu khoảng 40% lượng khí đốt tiêu thụ của mình từ Nga và nhu cầu tiêu thụ cao nhất vào mùa Đông. Do đó, châu Âu sẽ dễ bị "tổn thương" nếu Nga gián đoạn nguồn cung khí đốt cho khu vực trong thời gian tới.
Mặc dù vậy, cắt nguồn cung năng lượng là một con dao hai lưỡi đối với Nga. Khoảng một nửa nguồn thu của Nga là từ xuất khẩu năng lượng và châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các tập đoàn năng lượng Nga như Gazprom và Rosneft. Hơn nữa, châu Âu đã chuẩn bị một số kịch bản đối phó sau các bài học kinh nghiệm năm 2006 và 2009. Các kho dự trữ khí đốt trong EU hiện nay đã gần đầy (90%). Ngoài ra, các nước châu Âu đã xây dựng các hệ thống đường ống nội khối nhằm vận chuyển khí đốt từ nước này sang nước khác trong trường hợp xảy ra những cú sốc đột ngột.
Do đó, trong thời gian gần đây, các nước Tây Âu ít bị áp lực từ nguy cơ cắt nguồn cung năng lượng từ Nga hơn. Trong trường hợp nguồn cung gián đoạn, chủ yếu các nước phía Đông như Romania, Bulgaria, Hungary và Hy Lạp bị ảnh hưởng đáng kể. Ngoài ra, trong suốt cuộc khủng hoảng ở Ukraine, các quan chức Nga cũng nhiều lần hứa sẽ tiếp tục xuất khẩu năng lượng sang châu Âu. Nguyên nhân chính là vì khoản doanh thu tới 100 triệu USD/ngày và Nga muốn duy trì uy tín như là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy.
Một yếu tố khác làm cho Nga khó có thể sử dụng “vũ khí năng lượng” để trả đũa phương Tây là sự sụt giảm rất mạnh giá dầu và giá khí đốt trong thời gian gần đây. Do đó, bất kỳ một sự cắt giảm nguồn cung dầu và khí đốt nào của Nga cho các nước châu Âu đều sẽ dẫn đến sụt giảm doanh thu của chính nước này. Tổng thống Putin ngày 14/10 đã thừa nhận ngân sách quốc gia Nga đang bị ảnh hưởng mạnh vì giá dầu giảm do xuất khẩu dầu thô và khí đốt đóng góp khoảng một nửa ngân sách. Giá năng lượng xuất khẩu giảm có thể làm tăng trưởng kinh tế của Nga tiếp tục trì trệ, vốn được dự báo sẽ chỉ ở mức 0,5% trong năm 2014, trong bối cảnh kinh tế Nga đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn khác như sự mất giá của đồng Rúp, đầu tư giảm sút và lạm phát tăng cao.
Tất cả những yếu tố trên làm cho Nga khó có thể sử dụng năng lượng như công cụ để trả đũa các nước châu Âu. Trong tình hình hiện nay, sức ép từ những lệnh trừng phạt của phương Tây và sự sụt giảm mạnh giá dầu thế giới dường như đang làm cho Nga phải thể hiện một lập trường mềm mỏng hơn trong những vấn đề liên quan tới việc giải quyết khủng hoảng ở Ukraine.
TTK