Ngày 6/4, hãng thông tấn Interfax dẫn lời ông Mikhail Babich, đại diện của Điện Kremlin tại vùng liên bang Volga xác nhận thông tin trên.
Trước đó một ngày, báo The Times dẫn các nguồn tin an ninh Anh cho rằng hóa chất có tên Novichok được sản xuất tại cơ sở Shikhany ở vùng Saratov, miền Trung nước Nga.
Nhân viên cơ quan cứu trợ khẩn cấp Anh điều tra tại nhà riêng cựu điệp viên Skripal ở Salisbury (Anh) sau vụ đầu độc ngày 22/3. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Ông Babich, từng là Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về giải trừ vũ khí hóa học của Nga, khẳng định: “Phòng thí nghiệm này không bao giờ thuộc phạm vi công việc của chúng tôi. Tất cả các cơ sở tích trữ vũ khí hóa học đều được công khai. Shikhany không phải một trong số đó”.
Theo báo The Times, cơ sở này tương tự như trung tâm nghiên cứu hóa học tại Porton Down của Anh. Thị trấn bị đóng cửa Shikhany là địa điểm bố trí một chi nhánh của Viện Nghiên cứu Khoa học Quốc gia về Hóa học và Công nghệ hữu cơ.
Cùng ngày, báo Krasnaya Zvezda (Sao Đỏ), tờ báo chính thức của Bộ Quốc phòng Nga, cho biết các thanh sát viên thuộc Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) đã tiến hành công tác kiểm tra tại một địa điểm ở Nga trong tuần qua. Hiện chưa rõ liệu cuộc kiểm tra trên có liên quan tới vụ đầu độc bằng chất độc thần kinh cựu điệp viên hai mang Nga Sergei Skripal và con gái Yulia tại Anh, hay chỉ là nhiệm vụ định kỳ.
Báo Sao Đỏ của Bộ Quốc phòng Nga đã công bố hình ảnh đồ họa, mô tả các sự kiện trong tuần qua, trong đó đề cập đến chuyến đi tới Nga của “một nhóm thanh sát viên của Văn phòng Kỹ thuật thuộc OPCW”. Tuy nhiên, tổ chức này không nêu thêm chi tiết.
OPCW, có trụ sở chính tại La Haye (Hà Lan), đã tham gia cuộc điều tra vụ đầu độc trên, và tòa án Anh hồi tháng trước đã cho phép các chuyên gia của tổ chức này kiểm tra các mẫu máu thu thập từ hai cha con ông Skripal. Các thanh sát viên OPCW cũng đang nghiên cứu độc tố được sử dụng trong vụ tấn công.
Các mẫu thử đang được xét nghiệm một cách độc lập và kết quả sẽ được gửi tới OPCW vào tuần tới. Tổ chức này sẽ xác minh xem liệu có phải vũ khí hóa học bị cấm đã được dùng trong vụ tấn công hay không.
Anh cáo buộc Nga “nhiều khả năng” thực hiện vụ đầu độc cha con cựu điệp viên Skripal, đồng thời khẳng định chất độc sử dụng trong vụ việc là loại chất độc thần kinh “Novichok”, vốn được sản xuất từ thời Liên Xô.
Moskva luôn bác bỏ các cáo buộc này, và nhấn mạnh nước này không dự trữ “Novichok” hay bất kỳ vũ khí hóa học nào. Tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố Moskva đã tiêu hủy vũ khí hóa học cuối cùng của nước này. Mâu thuẫn ngoại giao liên quan đến vụ đầu độc này khiến hàng trăm nhà ngoại giao của Nga và các nước phương Tây bị trục xuất.