Nga phản ứng khi Armenia phê chuẩn Quy chế Rome của Tòa án Hình sự Quốc tế

Quốc hội Armenia đã thông qua một bước quan trọng hướng tới việc gia nhập Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), một động thái có thể làm leo thang căng thẳng với Nga.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: RIA Novosti

Hãng thông tấn Nga RIA Novosti ngày 3/10 dẫn lời ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, cho biết việc Quốc hội Armenia phê chuẩn Quy chế Rome của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) là một quyết định "sai lầm".

"Tôi nghĩ rằng ở Armenia đa số hiểu rằng các công cụ của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) và quan hệ đối tác Armenia - Nga là hoàn toàn không thể thay thế vào lúc này. Phía Armenia có thể có những lời chỉ trích riêng, có thể có chủ đề để tranh luận, thảo luận, nhưng chúng tôi cho rằng quyết định của phía Armenia là sai lầm”, ông Peskov nêu rõ.

Theo ông Peskov, Nga không muốn Tổng thống Vladimir Putin phải hủy chuyến thăm Armenia liên quan đến vấn đề trên, cho rằng Armenia vẫn là đồng minh và đối tác của Moskva. 

Trong khi đó, một quan chức Bộ Ngoại giao Nga nói với hãng thông tấn TASS rằng động thái phê chuẩn Quy chế Rome của Armenia sẽ có tác động cực kỳ tiêu cực đến quan hệ song phương giữa hai nước. Theo Bộ Ngoại giao Nga, Moskva cho rằng tuyên bố của các quan chức Armenia rằng việc gia nhập ICC sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ của nước này với Nga là sai lầm, đồng thời lưu ý rằng Yerevan đã không xem xét hợp lý các đề xuất phản đối của Moskva.

Trước đó cùng ngày, Quốc hội Armenia đã phê chuẩn Quy chế Rome, hiệp ước thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế. RIA Novosti dẫn lời Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan thông báo, Yerevan đã quyết định phê chuẩn Quy chế Rome của ICC, vì các công cụ của CSTO và quan hệ đối tác Armenia - Nga không đủ để đảm bảo an ninh của nước này.

Về phần mình, Chủ tịch Quốc hội Alen Simonyan tuyên bố rằng có rất nhiều lợi ích cho Armenia từ việc phê chuẩn Quy chế Rome. Đồng thời, ông Simonyan nói thêm rằng các cuộc thảo luận với Nga về các vấn đề gây tranh cãi vẫn tiếp tục.

Armenia đã ký Quy chế Rome vào năm 1999, nhưng chưa phê chuẩn với lý do mâu thuẫn với hiến pháp nước này. Tòa án Hiến pháp Armenia cho biết vào tháng 3 năm nay rằng những trở ngại đó đã được dỡ bỏ sau khi Armenia thông qua hiến pháp mới vào năm 2015.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo RIA Novosti/Tass)
Armenia đối mặt yêu cầu nhượng bộ mới từ Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ
Armenia đối mặt yêu cầu nhượng bộ mới từ Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ

Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ hiện có cơ hội thúc đẩy ý tưởng về “hành lang Zangezur” qua Armenia từ thế mạnh, nhằm mở một "Con đường Tơ lụa" mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN