Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố việc nối lại nguồn cung phân bón, thực phẩm và ngũ cốc cho các thị trường trên thế giới là rất quan trọng. Ông Peskov cũng cho biết: "Lượng ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine không lớn, nhưng việc đưa lượng ngũ cốc này ra thị trường thế giới vẫn rất quan trọng".
Dự kiến, 20h30 ngày 22/7 (theo giờ Việt Nam), tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Nga và Ukraine sẽ ký kết một thỏa thuận về việc nối lại xuất khẩu ngũ cốc qua các cảng của Ukraine ở Biển Đen. Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc đóng vai trò trung gian cho thỏa thuận này. Chi tiết của thỏa thuận hiện chưa được công bố. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar tuần trước cho biết thỏa thuận sẽ quy định các bên cùng giám sát và kiểm tra các chuyến hàng tại các cảng ở Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ thiết lập một trung tâm phối hợp với Ukraine, Nga và LHQ về xuất khẩu ngũ cốc.
Hãng tin RIA Novosti dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Nga cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đến thành phố Istanbul và dự kiến sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp nước chủ nhà Hulusi Akar. Trong khi đó, Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine thông báo phái đoàn của Ukraine do Bộ trưởng Oleksandr Kubrakov dẫn đầu đã đến Istanbul để tham gia các cuộc đàm phán với Nga về vấn đề ngũ cốc. Cũng theo nguồn tin này, phái đoàn Ukraine đã có cuộc gặp với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Nga và Ukraine là những nhà cung cấp ngũ cốc hàng đầu thế giới. Cuộc xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đang làm gián đoạn nguồn cung ngũ cốc, khiến giá lương thực toàn cầu tăng vọt và có nguy cơ đẩy hàng triệu người ở những quốc gia nghèo nhất trên thế giới rơi vào cảnh đói ăn. Hiện vẫn còn đến 25 triệu tấn lúa mì và ngũ cốc đang bị mắc kẹt tại các cảng ở Ukraine, trong khi quốc gia này dự kiến sẽ thu được 60 triệu tấn nữa vào mùa vụ năm nay. Nếu không xuất khẩu được số ngũ cốc tồn đọng, Ukraine có nguy cơ bị thiếu kho chứa để bảo quản ngũ cốc.