Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, ngày 28/6/2019. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Trong nhiều năm, quan hệ Nga - Mỹ dường như rơi vào trạng thái “hôn mê” khó thể đảo ngược. Mối quan hệ ngoại giao đã gần như “đóng băng” và thay thế vào đó là sự thù địch, các lệnh trừng phạt và nguy cơ đối đầu quân sự ngày càng gia tăng. Nhiều người khẳng định rằng không gì có thể thay đổi quỹ đạo này. Khi đó, cả Moskva và Washington đều bị cuốn vào một vòng xoáy xung đột mà nhiều người đánh giá là không thể tránh khỏi.
Tuy vậy, mọi thứ dường như đang đảo ngược một cách đáng kinh ngạc và chóng vánh trong những tuần vừa qua. Cuộc gặp cấp cao gần đây giữa các quan chức Nga và Mỹ ở Riyadh (Saudi Arabia), cùng những tuyên bố mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho thấy rằng không có điều gì trong địa chính trị là được định sẵn và hoàn toàn cố định.
Diễn biến này gợi nhớ đến một cảnh mang tính biểu tượng trong bộ phim “Kẻ hủy diệt 2”, khi Sarah Connor khắc dòng chữ “No fate” (Không có số phận) lên bàn gỗ. Con trai bà, John Connor, giải thích thêm: “Không có số phận nào ngoại trừ số phận mà ta tự tạo ra.” Đó cũng là một thông điệp rõ ràng: Tương lai được quyết định bởi lựa chọn, chứ không phải bởi định mệnh.
Trong nhiều năm, các nhà phân tích và chính trị gia ở cả Nga và phương Tây đều khẳng định rằng cuộc đối đầu giữa Mỹ và Nga là điều tất yếu. Một số chiến lược gia Mỹ xem Nga như một đối thủ không thể không tồn tại. Trong khi đó, một số quốc gia “yêu chuộng” Nga lại đưa ra cảnh báo với Moskva rằng bất kỳ sự tiếp cận nào với Washington cũng sẽ là một cái bẫy. Những tiếng nói cực đoan hơn từ cả hai phía thậm chí còn cho rằng xung đột chỉ có thể kết thúc bằng một thảm họa hạt nhân.
Nhưng những sự kiện đang diễn ra hiện nay lại cho thấy điều ngược lại. Nếu “không có số phận nào ngoài số phận mà ta tự tạo ra”, thì những lựa chọn trước mắt của Moskva và Washington vào thời điểm này lại mang đến một ý nghĩa lịch sử to lớn.
Phương Tây không phải là một khối hoàn toàn thống nhất
Các cuộc đàm phán ở Riyadh đã bắt đầu làm lung lay giả định lâu nay về sự thống nhất của cái gọi là “tập thể phương Tây”. Trong nhiều năm, giới hoạch định chính sách Nga tin rằng chính trị toàn cầu được kiểm soát bởi một cấu trúc quyền lực “Anh - Mỹ” tập trung, vận hành liền mạch từ Washington đến Brussels. Nhưng thực tế lại dường như không phải là như vậy khi “kỷ nguyên Tổng thống Trump” đã nhiều lần chứng minh một điều “phức tạp” hơn nhiều.
Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump không phải là nước Mỹ trước đó của ông Joe Biden. Ngay trong chính Washington cũng tồn tại những chia rẽ sâu sắc. Trong khi đó, Tây Âu – vốn được cho là luôn kiên định đi theo Mỹ – giờ đây cũng phải vật lộn với những bất đồng nội bộ và sự bất mãn trước áp lực từ phía Washington.
Đối với Nga, sự phân hóa này được các chính trị gia nước này đánh giá là một cơ hội. Sự rạn nứt trong đồng thuận xuyên Đại Tây Dương mở ra những khoảng trống mà một năm trước còn chưa tồn tại.
Thỏa hiệp hay đầu hàng?
Dĩ nhiên, hoài nghi về một mối quan hệ bất ổn giữa Moskva và Washington vẫn còn đó. Nhiều người phản đối sẽ lập luận rằng bất kỳ thỏa thuận nào của Nga với Washington cũng là một cái bẫy và rằng Mỹ sẽ đưa ra những lời cam kết lớn rồi cũng chỉ để rồi phá vỡ sau này, như đã từng làm trong quá khứ. Họ cảnh báo rằng nếu Nga lơi lỏng cảnh giác, phương Tây sẽ quay lại với những hành động cũ “phản bội và thất hứa”.
Những lo ngại này không phải là không có cơ sở khi lịch sử đã “dạy” cho nước Nga nhiều bài học phải luôn cẩn trọng. Nhưng ngoại giao không phải là những điều gì cần phải đảm bảo một cách chắc chắn mà là những cơ hội mà các quốc gia có thể nắm bắt, tận dụng được. Trong địa chính trị, không có thỏa thuận nào là không thể phá vỡ, không có lời hứa nào là không thể rút lại. Vấn đề thực sự là liệu Nga có sẵn sàng nắm bắt khoảnh khắc khi cơ hội hiếm hoi xuất hiện hay không.
Cơ hội mang tính bước ngoặt lịch sử
Con đường phía trước đối với Nga vẫn còn nhiều điều khó đoán định và cũng chắc chắn sẽ có những tiếng nói kêu gọi Nga từ chối bất kỳ sự tiếp cận nào từ Washington. Nhưng từ chối đàm phán chỉ vì sợ hãi sẽ là một sai lầm.
Cơ hội trong ngoại giao là rất hiếm. Việc để điều này trôi tuột qua thì rất dễ, nhưng để nắm bắt và tận dụng tốt thì lại là một việc rất khó. Nếu Nga và Mỹ có thể tiến tới một thỏa thuận hợp lý – vừa bảo vệ được các lợi ích cốt lõi, vừa giúp giảm căng thẳng – thì đây có thể là khoảnh khắc định hình lại cục diện địa chính trị trong nhiều năm tới.
Khi xét về vị thế của Nga hiện nay, ông Andrey Kortunov cho rằng Nga không còn ở vị thế như những năm 1990 mà ở thời điểm hiện tại, nước này mạnh hơn, tự chủ hơn và được công nhận rộng rãi là một cường quốc toàn cầu.
Trong khi đó xét về các chuyên gia đàm phán của Nga và Mỹ hiện nay, Tổng thống Donald Trump đang sở hữu một dàn quan chức, cố vấn, đặc phái viên gồm ông Marco Rubio, Mike Waltz, và Steve Witkoff, được đánh giá là những nhà đàm phán lão luyện. Trong khi đó với phía Nga, Tổng thống Putin cũng đang có trong tay mình nhà nhà ngoại giao “lão làng”, giàu kinh nghiệm như Ngoại trưởng Sergey Lavrov hay Trợ lý Tổng thống Yury Ushakov. Đây là những người đã dành nhiều thập kỷ để điều hướng những phức tạp của chính trị toàn cầu. Điều này đang hứa hẹn mang đến nhiều điều “hấp dẫn” và “kịch tính” trong các cuộc đàm phán tiếp theo của cả Nga và Mỹ trong thời gian tới – một điều mà cả thế giới đang nín thở dõi theo từng biến động dù là nhỏ nhất.