Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, phát biểu tại sự kiện trên, Tổng thống Putin nhấn mạnh: "Chúng ta cũng sẽ mở rộng xuất khẩu sang châu Á. Thị trường này có tiềm năng rất lớn, đến Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước khác đang phát triển và có tiềm năng lớn".
Nga bắt đầu xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc thông qua đường ống dẫn khí đốt "Power of Siberia" (Sức mạnh Siberia) vào cuối năm 2019. Theo Tập đoàn Gazprom của Nga, tuyến đường ống này sẽ cho phép Nga xuất khẩu tới 38 tỷ m3 khí đốt sang Trung Quốc mỗi năm. Mặc dù vậy, các nước châu Âu vẫn là nhà nhập khẩu khí đốt chính của Nga, với 198 tỷ m3 khí đốt năm ngoái.
Cũng trong ngày 29/10, Giám đốc điều hành Công ty dầu khí Naftogaz của Ukraine, ông Andriy Kobolyev cho biết Tập đoàn Gazprom mùa Hè vừa qua đã đặt vấn đề với Naftogaz về việc tăng công suất vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu qua Ukraine.
Theo ông Kobolyev, Gazprom đã đặt hàng với Ukraine về công suất vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu trong năm nay là 65 tỷ m3 khí đốt, nhưng hiện chưa rõ Nga muốn tăng công suất lên bao nhiêu.
Dự án "Nord Stream 2" (Dòng chảy phương Bắc 2) dẫn khí đốt trực tiếp xuyên biển từ Nga sang Đức và Tây Âu mà không qua Ukraine đã bị đình trệ từ cuối năm ngoái do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ông Kobolyev cho biết nếu dự án này không được hoàn thành, Nga có thể sẽ phải tăng công suất vận chuyển khí đốt qua Ukraine vào năm tới.
Hiện Gazprom chưa đưa ra bình luận gì về vấn đề trên.
Chính quyền Mỹ cho rằng dự án "Nord Stream 2" sẽ làm tăng ảnh hưởng của Nga tại châu Âu, trong khi Đức và các quốc gia khác khẳng định đây là dự án thương mại. Hiện các nhà lập pháp Mỹ đang tìm kiếm các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào dự án "Nord Stream 2".