Nga lại khiến Mỹ bất ngờ trong vấn đề Syria

Lần thứ 2 trong tháng Nga can dự mạnh mẽ vào tình hình Syria, đẩy Mỹ vào thế bất ngờ. Lần này là việc Mosvka đạt thỏa thuận sơ bộ về một liên minh chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.


Tờ The New York Times ngày 27/8 đưa tin, Nga cùng với Iraq, Syria, Iran đã đạt được sự nhất trí về việc chia sẻ thông tin tình báo trong cuộc chiến chống IS. Hãng tin Interfax (Nga) dẫn nguồn tin giấu tên nói rằng, các bên đã đồng ý thành lập một “trung tâm điều phối” đặt tại Baghdad, với bộ máy chỉ huy là sĩ quan 4 nước theo cơ chế luân phiên.

Ngoại trưởng Nga - Mỹ tại cuộc gặp ngày 27/9. Ảnh: Reuters


Giới chức Mỹ cố tìm cách hạ thấp vai trò của thỏa thuận này, với tuyên bố không ủng hộ sự hiện diện của chính quyền Syria trong các nỗ lực chống khủng bố quốc tế. Nhưng thực sự Mỹ lại một lần nữa bị bất ngờ khi không hề hay biết gì về kế hoạch của Nga -  y hệt như vụ máy bay tiêm kích, xe tăng của Nga hiện diện ở Latakia “qua mặt” Mỹ và đồng minh. Giới chức Nhà Trắng chỉ lờ mờ biết rằng có quan chức quân đội Nga tới Iraq và họ thực sư bất ngờ khi được Bộ Tư lệnh tác chiến Liên hợp Iraq công bố thỏa thuận này.

Giới phân tích cho rằng, đây là một dấu hiệu nữa cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin đang triển khai một chiến thuật mới hoàn toàn khác biệt với Mỹ trong cuộc chiến chống IS, khi tạo lập một liên minh bao gồm cả Syria và Iran và đó là bước đi chủ động, có chủ đích. Với việc 4 bên đã tiến đến thỏa thuận chia sẻ thông tin, điều phối hoạt động, dường như đã xuất hiện cùng lúc cả hai lực lượng theo đuổi mục tiêu “chống khủng bố IS” lần lượt do Mỹ và Nga đứng đầu. Trong thế đan cài như vậy, Mỹ sẽ luôn phải tính đến Nga trong bất kì động thái quân sự nào ở Syria để tránh những “va chạm” đáng tiếc. Quan trọng hơn, Moskva vừa tạo lập được lực lượng, đồng thời lại có được tính chính danh trong bước can dự.

Mỹ và các đồng minh vẫn đang tiếp tục mở rộng các chiến dịch không kích IS trên phần lãnh thổ Iraq và Syria. Nhưng sự hình thành của một liên minh mới do Nga đứng đầu đương nhiên sẽ “lấy đi” một đồng minh chủ chốt của Washington trong cuộc chiến chống IS - Iraq. Chính quyền Baghdad đã ngầm tạo điều kiện để Nga đẩy nhanh hiện diện quân sự tại Syria. Khi Bulgaria đóng cửa không phận đối với máy bay vận tải Nga chở hàng tới Syria, Iraq đã cho phép Nga sử dụng không phận nước này. “Chúng tôi không vi phạm bất kì cam kết nào đối với cộng đồng quốc tế”, Ngoại trưởng Iraq Ibrahim al-Jafari bày tỏ quan điểm khi được hỏi về trợ giúp trên đối với Moskva.

Vẫn là câu hỏi liên quan đến Tổng thống Assad?

Sau những “ồn ào” về các diễn biến quân sự, ngoại giao gần đây, điểm then chốt nhất của đối đầu Nga - Mỹ tại Syria vẫn là tương lai của Tổng thống Assad. Washington không giấu ý định buộc ông Assad phải từ bỏ quyền lực, với cáo buộc chính quyền Damascus phải “chịu trách nhiệm” về thảm kịch xung đột mà người dân Syria là người phải hứng chịu. Moskva thì bảo lưu quan điểm tương lai chính trị của Syria nói chung và ông Assad nói riêng phải do chính người dân nước này quyết định.

Sẽ rất khó để Mỹ chấp nhận ông Assad, vì Washington đã đổ quá nhiều nguồn lực vào việc phế truất nhà lãnh đạo Syria và không muốn thừa nhận thất bại. “Với Mỹ, ông Assad làm sao sánh được IS về mức độ tàn độc. Thế nhưng nếu để Tổng thống Syria tiếp tục tại vị thì ngay lập tức ông Obama sẽ bị chỉ trích”, Georgy Mirsky, chuyên gia Viện quan hệ quốc tế và Kinh tế thế giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhìn nhận. Thêm nữa, mối lo về IS khiến Mỹ phải dè chừng, vì nếu thế lực này lên nắm quyền ở Damascus thì đó sẽ là một cú đánh mạnh vào an ninh khu vực, còn ông Obama sẽ đi vào “lịch sử nước Mỹ với tư cách là một vị Tổng thống trao Syria vào tay quân khủng bố”.

Một chính quyền chuyển tiếp ở Damascus mà Tổng thống Assad có thể tại vị trong ngắn hạn nhưng sẽ thoái lui trong dài hạn sẽ là một lựa chọn mà Washington có thể chấp nhận được. Đó cũng là chủ đề thảo luận giữa Nga và Mỹ trong cuộc gặp mới nhất giữa hai ngoại trưởng Sergei Lavrov và John Kerry hôm 27/8. “Hai bên trao đổi sâu rộng về diễn tiến can dự chính trị, quân sự của Nga tại Syria. Ngoài yêu cầu tránh các va chạm quân sự không mong muốn tại Syria, hai ngoại trưởng cũng đề cập đến chuyển tiếp chính trị và con đường đi tới mục tiêu này”, một quan chức ngoại giao Mỹ tiết lộ.

Một loạt bước đi mạnh mẽ của Nga khi đó sẽ mang một thông điệp: Moskva muốn được thừa nhận là đối tác “bình đẳng” trong bất kì diễn tiến nào ở Syria.

Hoài Thanh (Theo Nytimes, RIR)
Nga, Mỹ thảo luận khả năng chuyển tiếp chính trị ở Syria
Nga, Mỹ thảo luận khả năng chuyển tiếp chính trị ở Syria

Cuộc thảo luận giữa hai Ngoại trưởng Nga và Mỹ diễn ra nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Vladimir Putin vào ngày 28/9.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN