Phát biểu ngày 23/11 tại Hội thảo Đối thoại MED ở Rome (Italy), Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh: "Những người muốn đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) tại Syria Staffan de Mistura phải ấn định một giới hạn tức là họ chỉ muốn một điều là hủy hoại tiến trình hòa bình Astana và trở lại với logic thay đổi chế độ". Ông khẳng định Nga không ủng hộ bất kỳ cá nhân nào, và chính người dân Syria sẽ quyết định có thay đổi chế độ của mình hay không, thông qua các cuộc bầu cử. Quan chức ngoại giao Nga cũng nói thêm rằng cần bảo vệ nhân quyền và quyền được sống của mọi người.
Vòng đàm phán mới nhằm giải quyết cuộc xung đột tại Syria sẽ diễn ra tại thủ đô Astana của Kazakhstan ngày 28-29/11 tới. Đây là tiến trình hòa bình do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập từ đầu năm 2017 và đã đạt nhiều kết quả, thậm chí có phần làm "lu mờ" các cuộc đàm phán do LHQ bảo trợ tại Geneva (Thụy Sĩ).
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hơn 360.000 người đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến dai dẳng tại Syria từ tháng 3/2011 đến nay. Trong khi đó, hàng triệu người Syria phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Việc thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria đã được nhất trí tại Hội nghị Đối thoại quốc gia của nước này tại Sochi (Nga) hồi tháng 1/2018 dưới sự bảo trợ của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, và đây đang là một vấn đề cấp thiết đối với quốc gia Trung Đông này. Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây bày tỏ hy vọng ủy ban này sẽ bắt đầu đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Theo dự kiến, Ủy ban Hiến pháp Syria gồm 150 thành viên, chia đều thành 3 nhóm - một nhóm do chính phủ lựa chọn, nhóm thứ hai do phe đối lập chọn và nhóm thứ ba do đặc phái viên LHQ về Syria chọn.