Yukos - từng là hãng dầu khí lớn nhất của Nga, đã phá sản vào năm 2006 sau khi cựu lãnh đạo của công ty này, Mikhail Khodorkovsky bị bắt năm 2003 với cáo buộc trốn thuế, lừa đảo và tham ô. Hãng này đã kiện Chính phủ Nga với cáo buộc giải thể bất hợp pháp Yukos và không bảo đảm quyền lợi của các cổ đông của hãng.
Năm 2014, Tòa án trọng tài thường trực quốc tế ở La Hay (Hà Lan) ra phán quyết rằng Chính phủ Nga phải bồi thường gần 50 tỷ USD cho các cựu cổ đông của Yukos. Nga khẳng định sẽ "không bao giờ" trả số tiền trên.
Các cựu cổ đông Yukos đã tiến hành cuộc chiến tư pháp tại một số nước phương Tây nhằm yêu cầu các nước này tịch biên các tài sản của Nga để thi hành bản án. Về phần mình, Chính phủ Nga cũng đã đệ đơn kháng cáo lên một tòa án địa phương của Hà Lan.
Tháng 4/2016, Tòa án ở La Hay đã bác bỏ phán quyết của Tòa án trọng tài thường trực quốc tế, đồng thời tuyên bố Nga không có nghĩa vụ phải bồi thường 50 tỷ USD cho cựu các cổ đông của Yukos. Tuy nhiên, trong phán quyết mới nhất ngày 18/2, Tòa phúc thẩm tại thành phố La Hay đã đảo ngược quyết định của tòa án sơ thẩm, theo đó phán quyết yêu cầu Chính phủ Nga bồi thường cho các cựu cổ đông của Yukos.