Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Iraq Ibrahim al-Jaafari (trái) tại cuộc gặp ở Moskva. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu trong các cuộc hội đàm với người đồng cấp Iraq Ibrahim al-Jafari đang ở thăm Moskva, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định Nga tôn trọng nguyện vọng của người Kurd trong việc tìm cách khẳng định bản sắc của cộng đồng này nhưng điều đó phải được thực hiện thông qua đối thoại với Chính phủ Iraq.
Ông Lavrov nhấn mạnh vấn đề cần được giải quyết với sự cân nhắc tới yêu cầu tránh tạo ra một nguồn gây bất ổn khác. Theo ông Lavrov, Baghdad không "chối bỏ" người Kurd, cấm ngôn ngữ của người Kurd hay phá hủy những thành tựu của người Kurd.
Tất cả những yếu tố này là điều kiện để người Kurd tìm cách chung sống trong một đất nước Iraq thống nhất. Ngoại trưởng Nga đề xuất hai bên nên quyết định sẽ tham gia vào đối thoại trực tiếp hoặc có thể qua một số trung gian, đồng thời nêu rõ Moskva hy vọng không xảy ra xung đột giữa binh sĩ Chính phủ Iraq và lực lượng người Kurd.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Lavrov cho biết Nga sẽ tiếp tục mối quan hệ kinh tế với người Kurd tại Iraq cũng như với các khu vực khác của quốc gia này. Nga cũng sẽ không đóng cửa Lãnh sự quán tại Erbil, thành phố chính của khu tự trị của người Kurd ở Iraq vì điều này phụ thuộc vào Đại sứ quán Nga tại Baghdad.
Căng thẳng tại Iraq leo thang sau khi chính quyền khu tự trị người Kurd ngày 25/9 tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của khu vực này bất chấp sự phản đối của chính quyền trung ương và các nước trong khu vực.
Chính phủ Iraq tuyên bố cuộc trưng cầu ý dân là vi hiến, đồng thời áp đặt một số biện pháp trừng phạt, bao gồm cấm mọi chuyến bay quốc tế đến các sân bay của người Kurd kể từ ngày 30/9 và hối thúc các quốc gia có biên giới với vùng lãnh thổ này như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa biên giới và ngừng giao thương với vùng tự trị này.
Quân đội Iraq đã mở chiến dịch giành lại kiểm soát các khu vực tranh chấp giữa chính quyền trung ương với vùng tự trị người Kurd. Ngày 20/10, Chính phủ Iraq thông báo các lực lượng chính phủ đã giành lại kiểm soát tất cả các khu vực tranh chấp ở miền Bắc nằm ngoài vùng tự trị người Kurd, trong đó có tỉnh Kirkuk nhiều giàu mỏ.
Việc mất quyền kiểm soát đối với các khu vực này đã giáng đòn nghiêm trọng vào nguồn tài chính của vùng tự trị, vốn chủ yếu dựa vào thu nhập từ xuất khẩu dầu mỏ ở Kirkuk.