Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn bộ trên Maria Zakharova nêu rõ: "Chúng tôi kêu gọi Washington cuối cùng hãy có một lập trường khách quan... và để Chính phủ và người dân Cuba giải quyết những gì đang xảy ra và quyết định số phận của chính họ". Theo bà, nếu Mỹ lo ngại về tình hình ở Cuba và muốn giúp đỡ thì Washington cần phải bắt đầu "bằng cách dỡ bỏ lệnh cấm vận, vốn ngay từ đầu đã bị toàn bộ cộng đồng quốc tế phản đối".
Nhiều quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới cũng đã lên tiếng bày tỏ tình đoàn kết với Chính phủ và nhân dân Cuba sau khi xảy ra các hoạt động biểu tình tại một số địa phương trong ngày 11/7, đồng thời kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vận của Mỹ vốn gây trở ngại cho sự phát triển kinh tế của Cuba, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Trong ngày 14/7, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba đồng thời là Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel đã khẳng định đất nước Caribe này đang trong trạng thái hoàn toàn bình yên bất chấp làn sóng thông tin sai lệch bên ngoài mà ông gọi là “nạn khủng bố truyền thông”.
Phát biểu trong chương trình "Bàn Tròn" được phát sóng trực tiếp trên truyền hình nhà, nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cuba kêu gọi hòa bình, đoàn kết, trách nhiệm và sự tôn trọng giữa những người dân Cuba trong bối cảnh quốc gia này vừa đối mặt với những hành động gây xáo trộn đất nước hôm 11/7 vừa qua do sự kích động từ bên ngoài. Chủ tịch Miguel Diaz-Canel nhấn mạnh "những người cách mạng có nhiệm vụ bảo vệ di sản của tất cả nhân dân và đó là quy định Hiến pháp, đồng thời một lần nữa lên án lệnh cấm vận khắc nghiệt của Mỹ khởi nguồn cho những thiếu thốn của người dân Cuba.
Cuba đã trải qua 6 thập kỷ dưới lệnh phong tỏa hà khắc của Mỹ. Tuy nhiên, chỉ trong 4 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, lệnh cấm vận của Washington nhằm vào La Habana càng được siết chặt hơn với 240 biện pháp trừng phạt mà tới nay chính quyền của Tổng thống Joe Biden vẫn giữ nguyên. Từ năm 1982, dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, Mỹ đã liên tục đưa Cuba vào "danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố" cùng với một loạt biện pháp trừng phạt kèm theo.
Năm 2015, Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama đã đưa Cuba ra khỏi danh sách mà Washington đơn phương soạn thảo hằng năm này, trước khi hai nước tái thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây vẫn được coi là một trong những thành công đối ngoại nổi bật của vị tổng thống gốc Phi đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.