Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay đã triệu tập cuộc họp với sự tham gia của nhiều cơ quan, bộ, ngành và doanh nghiệp nhằm bàn cách tái thiết và hiện đại hóa tuyến đường sắt dài nhất thế giới - tuyến đường sắt Xuyên Siberia vốn đã hơn 110 năm tuổi.Cung đường sắt xuyên Siberia qua Nga, Mông Cổ và Trung Quốc. Ảnh: Internet. |
Việc hiện đại hóa sâu rộng tuyến đường sắt Xuyên Siberia là một trong 3 dự án quy mô của Nga cùng với dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Moscow - Kazan và đường vành đai trung tâm của tỉnh Moscow mà Tổng thống Putin đề xuất thực hiện tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở St. Petersburg hồi tháng 6. Các dự án này tập trung vào việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và là một trong những thành tố chính phát triển kinh tế đất nước.
Ngày 31/5/1891 tại Vladivostok, Sa hoàng Nicholas II đã đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng tuyến đường sắt Xuyên Siberia. Công trình này hoàn tất vào tháng 10/1916 với việc đưa vào hoạt động chiếc cầu bắt qua sông Amur gần Khabarovsk. Tính theo thời giá năm 1913, chi phí xây dựng tuyến đường này là 1,5 tỷ rúp.
Ngày nay, đường sắt Xuyên Siberia là tuyến đường dài nhất trên thế giới (gần 9.300km). Nó kết nối các khu vực ở miền Trung nước Nga với Siberia và Viễn Đông. Tuyến đường này đi qua 87 thành phố của Nga - từ Moscow, qua St. Petersburg tới Ural, Siberia và Viễn Đông.
Từ năm 1990 đến năm 2000, Nga đã tiến hành hiện đại hóa một phần tuyến đường Xuyên Siberia. Hiện tuyến đường sắt này cho phép vận chuyển 100 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
TTXVN/Tin tức