Đài RT (Nga) đưa tin theo thống kê của ông Volodin, đứng đầu danh sách này là Mỹ - với 1.983 lệnh trừng phạt khác nhau nhằm vào Nga. Tiếp đến là Canada, Thụy Sĩ, Anh, Liên minh châu Âu (EU), Australia và Nhật Bản.
Theo ông Volodin, các biện pháp trừng phạt đã khiến giá năng lượng và giá thực phẩm tăng vọt, gây ra những rắc rối hiện nay và có thể gây ra những cuộc khủng hoảng trong tương lai trên khắp thế giới.
Trong khi đó, nhiều nước phương Tây đã cáo buộc Nga gây ra tình trạng lạm phát gia tăng mà các quốc gia này đang phải đối mặt.
Cuộc chiến ở Ukraine cũng đã cản trở hoạt động gieo trồng và thu hoạch ngũ cốc của Ukraine trong mùa này. Ukraine là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn của thế giới, đặc biệt là lúa mì. Cùng với Nga, quốc gia này chiếm hơn 1/4 nguồn cung lúa mì toàn cầu vào năm ngoái.
Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt cũng đã gây áp lực lên ngành hóa chất của Nga và Belarus, bao gồm phân bón.
Hôm 18/5, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các quốc gia dỡ bỏ các hạn chế đối với thực phẩm và phân bón của Nga để tránh gây ra một cuộc khủng hoảng lớn. Ông cảnh báo rằng nếu không, hàng chục triệu người sẽ rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực, tiếp theo là suy dinh dưỡng, nạn đói tràn lan, trong một cuộc khủng hoảng có thể kéo dài nhiều năm.