Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, cho phép xuất khẩu ngũ cốc an toàn qua các cảng biển của Ukraine nhằm tránh cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do tác động của cuộc xung đột tại Ukraine. Thỏa thuận đã được gia hạn 120 ngày vào tháng 11/2022 và sẽ hết hạn vào ngày 18/3 tới. Gần đây, Nga đã đưa ra tín hiệu không hài lòng với một số khía cạnh của thỏa thuận.
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết: “Vẫn còn nhiều câu hỏi về những điểm tiếp nhận cuối, cũng như việc hầu hết ngũ cốc được đưa đi đâu và câu hỏi về nửa còn lại trong thỏa thuận” liên quan đến xuất khẩu hàng hóa của Nga.
Cùng ngày 9/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết việc gia hạn thỏa thuận sẽ “phức tạp” vì thỏa thuận này chưa được thực thi đầy đủ. Theo ông Lavrov, các điều khoản của thỏa thuận liên quan đến việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga chưa được thực thi và “nếu gói thỏa thuận này chỉ được thực hiện một phần, thì vấn đề gia hạn sẽ khá phức tạp”.
Nga cũng nhiều lần than phiền về việc hầu hết ngũ cốc của Ukraine được xuất khẩu theo thỏa thuận này đã được chuyển tới các nước giàu.
Việc xuất khẩu nông sản của Nga hiện không phải là mục tiêu trừng phạt của phương Tây, song Moskva cho rằng các hạn chế liên quan đến việc thanh toán, logistics và các công ty bảo hiểm đang tạo ra “rào cản” đối với xuất khẩu ngũ cốc và phân bón.
Hôm 8/3, Tổng thư ký LHQ Guterres đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục triển khai sáng kiến sau ngày 18/3 tới, cũng như các nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất cho phép sử dụng cơ sở hạ tầng xuất khẩu qua Biển Đen phù hợp với các mục tiêu của thỏa thuận này. Theo kế hoạch, Tổng Thư ký Hội nghị Thương mại và Phát triển LHQ (UNCTAD) Rebeca Grynspan sẽ gặp gỡ các quan chức Nga tại Geneva (Thụy Sĩ) trong tuần tới để thảo luận về việc gia hạn Sáng kiến này.
Số liệu của LHQ cho biết Ukraine đã xuất khẩu hơn 23 triệu tấn, chủ yếu là ngô và lúa mì, theo khuôn khổ thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.