Phát biểu với các phóng viên, người phát ngôn LHQ Farhan Haq cho biết việc tổ chức cuộc họp giữa các quan chức LHQ và Nga là bước tiếp theo và LHQ sẽ cân nhắc những việc cần làm sau đó. Người phát ngôn này nhấn mạnh Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres sẽ nỗ lực loại bỏ những rào cản đối với hoạt động xuất khẩu phân bón của Nga. Đây vốn là vấn đề mà Moskva luôn yêu cầu ưu tiên giải quyết để chấp thuận gia hạn sáng kiến trên.
Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được Nga và Ukraine ký riêng rẽ với LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7/2022 tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, giúp nối lại việc cung cấp lương thực và phân bón từ 2 nước này ra thị trường toàn cầu. Thỏa thuận đã được gia hạn 120 ngày vào tháng 11/2022 và sẽ hết hạn vào ngày 18/3 tới. Gần đây, Nga đã đưa ra tín hiệu không hài lòng với một số khía cạnh của thoả thuận và yêu cầu gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của nước này.
Tại cuộc hội đàm ở Kiev trong ngày 8/3, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi gia hạn sáng kiến trên. Ông Guterres đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục triển khai sáng kiến sau ngày 18/3 tới và các nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất cho phép sử dụng cơ sở hạ tầng xuất khẩu qua Biển Đen phù hợp với các mục tiêu của thỏa thuận này.
Trong khi đó, Mỹ cũng khẳng định ủng hộ các nỗ lực của LHQ nhằm đảm bảo hoạt động vận chuyển ngũ cốc Nga và Ukraine đến các thị trường quốc tế. Phát biểu tại họp báo ở Washington ngày 8/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nêu rõ Washington coi sáng kiến này là một công cụ thiết yếu để đẩy lùi nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu và ổn định giá thực phẩm. Mỹ ủng hộ mạnh mẽ mọi nỗ lực của người đứng đầu LHQ phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ để đưa ngũ cốc của Nga và Ukraine ra thế giới, kêu gọi các bên gia hạn và mở rộng Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.