Hãng tin TASS dẫn thông tin từ Văn phòng báo chí của nhà sản xuất quốc phòng Uralvagonzavod (thuộc tập đoàn quốc phòng và hàng không vũ trụ quốc doanh Rostec) đưa tin Nga đã gửi lựu pháo tự hành 2S3M Akatsia cho Belarus theo hợp đồng năm 2022 sau khi tiến hành những sửa chữa lớn với lô vũ khí này.
"Là một phần của chương trình hoàn thành hai hợp đồng năm 2022, Uraltransmash [thuộc Uralvagonzavod] đã gửi pháo tự hành 2S3M Akatsiya cho Cộng hòa Belarus sau khi sửa chữa lớn", văn phòng báo chí Uralvagonzavod cho biết.
Cũng theo thông báo nói trên, công ty Uraltransmash đã thực hiện sửa chữa lớn và nâng cấp với pháo tự hành 2S3M.
Văn phòng báo chí dẫn lời Giám đốc điều hành Uraltransmash, ông Dmitry Semizorov cho biết: “Phương tiện có các hệ thống liên lạc được cải tiến, tốc độ bắn cao hơn và tải trọng đạn lớn hơn trong khi các linh kiện nhập khẩu đã được thay thế hoàn toàn”.
Lựu pháo 2S3 Akatsia được đưa vào trang bị từ năm 1972. Năm 1975, chúng được nâng cấp lên cấp 2S3M.
Lựu pháo Akatsia 152 ly được thiết kế để chế áp và tiêu diệt nhân lực của đối phương, phá huỷ các khẩu đội pháo và súng cối, hệ thống tên lửa, xe tăng, hỏa lực, sở chỉ huy và vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Xem quân đội Nga khai hoả lựu pháo 2S3 "Akatsia" 152 ly (Nguồn: Bộ quốc phòng Nga)
Theo các nguồn quân sự Nga, pháo tự hành 2S3 sử dụng loại đạn 152,4mm có tầm bắn tối đa lên tới 18,5km. Với đạn tăng tầm, khả năng tác chiến của 2S3 sẽ được nâng lên 24km. Ngoài ra, phương tiện còn được trang bị một súng máy PKT sử dụng cỡ đạn 7,62 x 54mmR với cơ số 1.500 viên, để chống lại bộ binh đối phương.
Trong cuộc chiến Afghanistan thập niên 1980, lựu pháo 2S3 đã chứng minh được tính hiệu quả trong lúc tác chiến cũng như sự bền bỉ khi hoạt động tốt ở môi trường khắc nghiệt.
“Vụ nổ do các quả đạn nổ mảnh của 2S3 đã gây ra những lỗ thủng lớn trên các bức tường, giúp các xe tăng và xe chiến đấu bộ binh có thể vượt qua mà không gặp trở ngại”, tờ Russia Beyond dẫn lời cựu binh Anatoly Grigoryev kể về uy lực của pháo 2S3 trong trận chiến ở tỉnh Baghlan, Afghanistan hồi tháng 4/1987.
Akatsia cũng đã tham gia vào hầu hết các cuộc xung đột bùng phát sau khi Liên Xô sụp đổ - như xung đột Pridnectrov, cuộc chiến ở Abkhazia, các chiến dịch ở Chechen và Ossetia. Hiện tại, pháo tự hành 2S3 được cả hai bên tham chiến ở miền đông Ukraine sử dụng. Mặc dù tuổi đời cao, Akatsia vẫn được quân đội các nước yêu thích vì sự đơn giản và độ tin cậy cao của nó.
Mối lo ngại của đối thủ tiềm năng của Nga với pháo tự hành Akatsia bắt đầu tăng lên khi phiên bản 2C3M3 được chế tạo, và tất cả các hệ thống pháo Akatsia có trong biên chế quân đội Nga bắt đầu được nâng cấp. Điều đáng chú ý là những cải tiến mới nhất về cơ bản đã thay đổi sức mạnh hỏa lực và cơ cấu tự hành của pháo. Tầm bắn của Akatsia đã tăng gần gấp đôi từ 17 đến 30km.
Ngoài ra, các pháo tự hành 2S3M3 được bổ sung bằng đạn Krasnopol có độ chính xác cao, bắn trúng mục tiêu đang di chuyển bằng phát bắn đầu tiên với xác suất 90%; tốc độ bắn tăng lên 9-10 thay vì 7 viên mỗi phút; cơ số đạn tăng lên từ 40 lên 46 viên.