3 loại vũ khí công nghệ cao của NATO có thể làm khó Nga

Ukraine muốn sở hữu các loại vũ khí tầm xa có thể nhắm vào các lực lượng Nga ở xa sau chiến tuyến và phá vỡ thế bế tắc tại các cảng đang bị phong tỏa bên Biển Đen.

Chú thích ảnh
Tổ hợp pháo phản lực dẫn đường chính xác M142 HIMARS của Mỹ.

Danh sách mong muốn càng trở nên khẩn thiết hơn khi các lực lượng Nga đang giành thêm những vị trí mới ở miền đông Ukraine.

Kiev đã yêu cầu viện trợ tên lửa pháo binh tầm xa, máy bay không người lái tấn công và tên lửa diệt hạm. Đan Mạch đã cam kết gửi tên lửa diệt hạm Harpoon, trong khi Mỹ vừa tuyên bố sẽ gửi Hệ thống Tên lửa pháo binh Cơ động cao (HIMARS), còn gọi là pháo phản lực dẫn đường tầm xa.

Ba loại vũ khí công nghệ cao nói trên nếu được cung cấp sẽ bổ sung vào kho vũ khí của Ukraine vốn đã được NATO trang bị tên lửa chống tăng Javelin, rocket chống tăng NLAW, lựu pháo M777 và drone liều chết Switchblade.

Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS M142

Chú thích ảnh
Một hệ thống M142 HIMARS phóng rocket tại Căn cứ Pendleton, California, Mỹ. Ảnh: US Army 

Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (HIMARS) M142 là một xe tải 5 tấn bọc thép được trang bị để phóng tên lửa 227 ly. Mỗi HIMARS mang theo 6 tên lửa phóng loạt có hỗ trợ GPS (gọi là GMLRS). Theo quân đội Mỹ, mỗi tên lửa có thể phóng hỏa lực phá hủy, chế áp và phản công ở mức độ cao, hoặc thực hiện nhiệm vụ pháo binh ở phạm vi lên đến 68km.

HIMARS có thể "vượt mặt" hầu hết các loại pháo của Nga, có thể tấn công từ ngoài tầm bắn của pháo và các bệ phóng tên lửa của Nga.

Ukraine đã sở hữu nhiều loại hệ thống pháo phản lực, bao gồm hệ thống rocket 300 ly BM-30 Smerch. Nhưng hầu hết các hệ thống pháo phản lực đều không có điều khiển, và có độ chính xác kém hơn so với lựu pháo. 

Xem quân đội Mỹ diễn tập phóng tên lửa M142 HIMARS:

HIMARS khác với các hệ thống tên lửa khác. Trong những năm gần đây, sự phẫn nộ trước mối đe dọa mà bom, đạn còn chưa nổ gây ra cho dân thường đã dẫn đến một hiệp ước toàn cầu cấm loại vũ khí này. Mặc dù Mỹ không phải là một bên của hiệp ước, nhưng họ không còn phát triển HIMARS nữa và đã tạm dừng các kho đạn con hiện có.

Tình hình này đã buộc nhà sản xuất HIMARS phải đi theo một con đường khác: thay vì dội xuống một khu vực rộng với hàng nghìn quả bom bi cỡ quả bóng tennis, HIMARS được thiết kế để khiến mỗi quả tên lửa đều có giá trị. Mỗi tên lửa GMLRS có khả năng tấn công loạt đầu tiên trên một tập hợp tọa độ GPS, sử dụng một đầu đạn lớn đơn lẻ, được thiết kế để bù đắp cho hàng trăm đầu đạn con nhỏ hơn.

Mới cách đây 3 tháng đã không thể tưởng tượng rằng Ukraine có thể tiếp nhận HIMARS. Nhưng thời thế đang thay đổi. Ngày 31/5 (rạng sáng 1/6 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức công bố gói viện trợ quân sự mới dành cho Ukraine, bao gồm cả các hệ thống tên lửa hiện đại, tên lửa dẫn đường chính xác cao, hệ thống rocket phản lực phóng loạt, đạn dược…

Máy bay không người lái tấn công Đại bàng xám MQ-1

Ukraine cũng muốn sở hữu các máy bay không người lái tấn công có thể tái sử dụng. Nước này đã vận hành một phi đội máy bay không người lái tấn công TB-2 Bayraktar, mỗi chiếc có khả năng mang bom dẫn đường siêu nhỏ thông minh (MAM-L). Mặc dù Bayraktar đã chứng tỏ hiệu quả tấn công các đoàn xe tiếp tế và xe bọc thép của Nga, đặc biệt là ở phía sau chiến tuyến, nhưng nó lại kém khả năng hơn các drone do NATO vận hành.

Chú thích ảnh
Máy bay không người lái tấn công Đại bàng xám MQ-1 tại căn cứ Wainwright, bang Alaska, Mỹ. Ảnh: US Army

Mặc dù Mỹ đã cung cấp máy bay không người lái liều chết Switchblade, nhưng đây là những vũ khí một chiều, không được thiết kế để bay nhiều hơn một nhiệm vụ. Một giải pháp rõ ràng cho vấn đề của Ukraine là Grey Eagle (Đại bàng Xám) MQ-1C của quân đội Mỹ. Grey Eagle lớn hơn, nhanh hơn, bay cao hơn và mang theo trọng tải vũ khí lớn hơn, tốt hơn Bayraktar. Grey Eagle có tầm hoạt động dài hơn Bayraktar rất nhiều, có khả năng bay tới 4.000km so với 300km do sử dụng định vị vệ tinh.

Grey Eagle, hoạt động như một nền tảng trinh sát không người lái cho trực thăng tấn công AH-64 Apache, và là một bản nâng cấp đáng kể từ Bayraktar. Grey Eagle có thể mang tới 4 tên lửa chống tăng Hellfire, mỗi tên lửa có tầm bắn lên tới gần 11km. Ngược lại, Bayraktar phải bay gần mục tiêu hơn nhiều để thả bom MAM-L.

Ukraine lần đầu tiên xin viện trợ máy bay không người lái Grey Eagle vào cuối tháng 4 và đã tổ chức các cuộc thảo luận với nhà sản xuất General Atomics. Chính phủ Mỹ có thể do dự trong việc ký kết chuyển giao do Nga cho rằng các drone vũ trang như Predator, Reaper và Grey Eagle về mặt kỹ thuật tương đương với tên lửa hành trình và điều này có thể khiến Washington bị cáo buộc cung cấp tên lửa hành trình cho Kiev.

Xem video drone vũ trang tấn công Đại bàng Xám MQ-1C của quân đội Mỹ:

Tên lửa diệt hạm Harpoon

Một trong những sự cố nghiêm trọng nhất của Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine là để mất tuần dương hạm Moskva, soái hạm của Hạm đội Biển Đen. Phía Ukraine tuyên bố hai tên lửa Neptune do họ sản xuất nội địa đã đánh chìm chiến hạm dài 600 mét này.

Neptune là một hệ thống tên lửa hoàn toàn mới, được đưa vào hoạt động cuối năm 2021. Nhưng Ukraine đã xin viện trợ thêm tên lửa diệt hạm từ NATO để họ có thể thực hiện tấn công, đánh chìm các tàu chiến Nga đang phong tỏa các cảng bên Biển Đen, hoặc đẩy các tàu này ra đủ xa để mở đường cho xuất khẩu lúa mì của Ukraine.

Ứng cử viên khả dĩ nhất cho Ukraine là tên lửa Harpoon do Mỹ sản xuất. Harpoon, được triển khai từ những năm 1980, là tên lửa hành trình chống hạm. Tên lửa này có thể bay thấp trên mặt sóng với tốc độ cận âm để tránh sự phát hiện của radar. Nó mang đầu đạn nặng 500 pound và tầm bắn trên 124km.

Chú thích ảnh
Tàu USS New Jersey phóng một tên lửa Harpoon ở ngoài khơi Hawaii. Ảnh: Getty Images 

Harpoon sử dụng một radar tích hợp ở mũi để tìm mục tiêu. Người điều khiển có thể lập trình tên lửa bay đến một khu vực xác định và sau đó bật radar của nó - một khả năng hữu ích ngăn kẻ thù phát hiện ra radar của tên lửa cho đến phút cuối cùng. Một phiên bản mới hơn là Harpoon Block II, được dẫn đường bằng GPS, có khả năng chống gây nhiễu đối phương và khả năng tấn công lại, cho phép tên lửa quay đầu và tấn công lại nếu nó bắn trượt tàu địch.

Cuối tuần trước, hãng Reuters đưa tin rằng Mỹ đã ủng hộ yêu cầu từ Kiev và đang cố gắng tìm kiếm các quốc gia NATO có thể đáp ứng yêu cầu cung cấp Harpoon.

Đan Mạch đã cam kết cung cấp hệ thống Harpoon gắn trên xe tải. Copenhagen đã nhận được bộ dụng cụ nâng cấp Harpoon Block II vào năm 1999, vì vậy Ukraine gần như chắc chắn sẽ có được phiên bản mới hơn, có khả năng hoạt động tốt hơn.

Cũng có khả năng Ukraine sẽ nhận được Tên lửa Tấn công Hải quân (NSM) do Na Uy thiết kế. Ba Lan, một đồng minh của Ukraine, hiện vận hành phiên bản đất liền, gắn trên xe tải của tên lửa này.

Thách thức đối với Mỹ và NATO là cung cấp vũ khí mới và huấn luyện sử dụng kịp thời để người Ukraine vận hành chúng một cách hiệu quả.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Popular Mechanics)
Bộ Quốc phòng Đức thừa nhận không có hệ thống vũ khí đã hứa cấp cho Ukraine
Bộ Quốc phòng Đức thừa nhận không có hệ thống vũ khí đã hứa cấp cho Ukraine

Bộ Quốc phòng Đức thừa nhận quân đội nước này không sở hữu hệ thống vũ khí mà trước đó Thủ tướng Olaf Scholz hứa hẹn cung cấp cho Kiev.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN