Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha gặp gỡ ba bên với hai người đồng cấp Mỹ và Nhật Bản là Rex Tillerson và Taro Kono bên lề Hội nghị Vancouver (Canada). Ảnh: Kyodo/TTXVN |
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh kết quả của hội nghị hôm 16/1 tại Vancouver được đưa ra trong một tuyên bố của 2 đồng chủ trì là Mỹ và Canada đã xác nhận những hoài nghi của phía Nga về tính hiệu quả của sự kiện này.
Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ việc các nước tham gia hội nghị thảo luận về các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Bình Nhưỡng, vượt ra ngoài khuôn khổ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, là hoàn toàn "không thể chấp nhận được". Nga cho rằng những hành động như vậy đã hủy hoại tầm quan trọng của các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên mà HĐBA LHQ thông qua, thể hiện sự "không tôn trọng" cơ chế quốc tế hàng đầu giữ vai trò bảo đảm hòa bình và an ninh toàn cầu này.
Bộ Ngoại giao Nga đồng thời nhắc lại rằng lộ trình của Nga và Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên nhằm tìm ra những giải pháp mà đôi bên có thể chấp nhận cho một loạt các vấn đề, thông qua các biện pháp ngoại giao và chính trị hòa bình, giảm quy mô các hoạt động quân sự chung tại khu vực, tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp liên Triều cũng như Mỹ-Triều Tiên, đồng thời thảo luận về các vấn đề an ninh tại Đông Bắc Á trong một khuôn khổ rộng rãi.
Trước đó, Hội nghị ngoại trưởng về an ninh và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên đã kết thúc sau một ngày họp với việc các bên nhất trí sẽ tăng cường sức ép tối đa đối với Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân, đồng thời tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao cho một giải pháp lâu dài. Hội nghị này có sự tham gia của đại diện ngoại giao 20 nước, tuy nhiên, giới phân tích đánh giá sự vắng mặt của Nga và Trung Quốc – hai đối tác chủ chốt trong hồ sơ hạt nhân Triều Tiên – khiến hội nghị thiếu tính toàn diện. Hai nước này cũng chỉ trích hội nghị quá tập trung vào trừng phạt thay vì tìm cách hạ nhiệt căng thẳng thông qua đối thoại.
Cũng liên quan đến Triều Tiên, cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết nước này đang tiếp nhận những bằng chứng cho thấy các lệnh trừng phạt quốc tế đang “thực sự bắt đầu gây thiệt hại” cho Triều Tiên, đồng thời hoan nghênh Trung Quốc gây sức ép đối với Bình Nhưỡng.
Phát biểu tại một sự kiện ở Đại học Stanford ở thành phố California (Mỹ), ông Tillerson cho biết Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trước đó đã nhận định việc Triều Tiên đối mặt với những thiệt hại do các lệnh trừng phạt là nguyên nhân lý giải thiện chí đối thoại của Bình Nhưỡng với Seoul trong thời gian gần đây. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ bày tỏ tin tưởng sức ép của cộng đồng quốc tế "rốt cuộc cũng sẽ khiến Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán liên quan tới chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này". Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ cũng nêu bật vai trò của Trung Quốc trong việc gia tăng sức ép đối với Triều Tiên.
Tuyên bố trên của Ngoại trưởng Mỹ được đưa ra trong bối cảnh tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đang ghi nhận một loạt diễn biến tích cực. Mới đây nhất, trong cuộc đàm phán song phương thứ ba diễn ra ngày 17/1 về việc Triều Tiên tham dự Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 diễn ra tại Hàn Quốc từ ngày 9-25/2 tới, hai miền đã thống nhất thành lập một đội khúc côn cầu trên băng của nữ cho Olympic mùa Đông, đồng thời nhất trí các vận động viên và quan chức của hai nước sẽ diễu hành chung trong lễ khai mạc sự kiện thể thao toàn cầu này. Những kết quả trên được xem là bước đột phá chưa từng thấy trong lịch sử giao lưu thể thao giữa hai miền Triều Tiên.