Ngày 14/3, Tổ chức vũ khí và công nghệ quốc gia Nga "Rostec" cho biết một máy bay không người lái (UAV) của Mỹ đã bị chặn trên bầu trời bán đảo Crimea (Crưm) thuộc Ukraine.Tuyên bố của Rostec cho biết "UAV đang bay ở độ cao 4.000 mét và gần như không thể nhìn thấy được từ mặt đất. Và có khả năng ngắt liên kết (của UAV) với các trạm điều khiển của Mỹ bằng công nghệ vô tuyến điện tử phức tạp".
Một máy bay không người lái của quân đội Mỹ. Ảnh: AFP |
Theo Rostec, cơ quan này đã chế tạo ra thiết bị được dùng để hạ UAV nói trên, nhưng không cho biết ai là người đã điều khiển. UAV này hiện đã nằm trong tay lực lượng tự vệ và vẫn còn gần như nguyên vẹn.
Rostec cũng cho đăng tải trên trang web của cơ quan này một bức ảnh về chiếc UAV thu được và cho biết: "Dựa vào số nhận dạng, UAV MQ-5B thuộc Lữ đoàn Do thám số 66 của Mỹ, đặt tại Bavaria (Đức)".
Ngày 14/3, chính quyền Áo cho biết tài phiệt Ukraine Dmytro Firtash, người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych, đã bị xếp vào diện bị "giam giữ để chờ dẫn độ", bước đi đầu tiên hướng tới việc dẫn độ ông này sang Mỹ.
Tòa án Vienna cho biết ông Firtash bị bắt vào tối 12/3 theo lệnh bắt của Mỹ, đã "đệ đơn kháng cáo quyết định trên".
Tòa cũng thông báo đã đặt mức tiền bảo lãnh cho Firtash là 125 triệu euro (173,9 triệu USD) với điều kiện là nếu ông ta trả số tiền này và được trả tự do, ông ta sẽ rời khỏi Áo.
|
Trong một diễn biến khác cùng ngày 14/3, phát biểu sau nhiều giờ đàm phán với người đồng cấp John Kerry tại London nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moskva và Washington vẫn tồn tại bất đồng trong bối cảnh bán đảo Crimea chuẩn bị tiến hành trưng cần dâu ý về khả năng ly khai.
Mặc dù miêu tả cuộc đối thoại là "hữu ích", ông Lavrov vẫn thừa nhận rằng giữa Nga và Mỹ "không có tầm nhìn chung (về vấn đề Ukraine)".
Ông Lavrov tiếp tục khẳng định Nga sẽ "tôn trọng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý" ở Crimea và rằng các biện pháp trừng phạt sẽ phản tác dụng và gây phương hại đến quan hệ của Moskva với các nước.
Cũng theo Ngoại trưởng Nga, nước này "không có và không thể có bất cứ kế hoạch nào nhằm xâm lược khu vực miền Đông Nam của Ukraine".
Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng sẽ có phản ứng mạnh mẽ hơn, nếu Nga tiếp tục làm leo thang căng thẳng tình hình tại Ukraine và đe dọa người dân nước này.
Sau 6 giờ đàm phán "thẳng thắn" với ông Lavrov ở London, ông Kerry khẳng định Mỹ và cộng đồng quốc tế sẽ không công nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea và Nga sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt nếu cuộc trưng cầu dân ý diễn ra như dự kiến.
Theo ông Kerry, Tổng thống Nga Vladimir Putin không sẵn sàng đưa ra bất cứ quyết định nào về Crimea cho đến khi kết thúc cuộc trưng cầu dân ý. Ngoại trưởng Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về việc Nga triển khai binh sĩ gần Ukraine và yêu cầu Moskva làm rõ ý nghĩa của động thái này.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết ông tiếp tục hy vọng về một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Crimea, song cảnh báo về "những hậu quả" dành cho Nga nếu không tìm được giải pháp nào.
Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bác bỏ các cáo buộc của Phương Tây rằng cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea về khả năng sáp nhập vào Nga là bất hợp pháp, đồng thời khẳng định cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra đúng theo kế hoạch vào ngày 16/3 tới.
Theo Điện Kremlin, trong cuộc điện đàm với Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Ban Ki-moon, ông Putin đã "nhấn mạnh rằng quyết định tiến hành (cuộc trưng cầu dân ý) hoàn toàn phù hợp với các tiêu chuẩn luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ".
Hãng Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho biết dự thảo nghị quyết do Mỹ hậu thuẫn của LHQ về cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea là "không thể chấp nhận được" khi nó bao gồm "lời kêu gọi bác bỏ kết quả cuộc trưng cầu dân ý" này.
TN (Theo AP/Reuters/AFP)