Theo hãng tin RT (Nga), phát biểu trong cuộc họp với những người đứng đầu ngành công nghiệp quốc phòng và quân sự của đất nước hôm 1/11, Tổng thống Nga nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện hơn nữa khả năng phòng thủ của quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực không quân.
Tổng thống Putin nói rằng việc các quốc gia hàng đầu đang phát triển vũ khí tấn công tiên tiến với tốc độ nhanh chóng đã khiến nhu cầu phòng thủ của Nga trở nên cấp thiết hơn. Nhà lãnh đạo Nga nói thêm rằng các hoạt động gia tăng của NATO dọc theo biên giới của Nga càng củng cố nhu cầu này.
“Tình hình quân sự - chính trị chung cũng đòi hỏi Nga phải nỗ lực hơn nữa, điều này được thúc đẩy một phần bởi số lượng ngày càng tăng các chuyến bay của NATO đến gần Nga và các tàu NATO mang tên lửa dẫn đường xuất hiện ở Baltic và Biển Đen", ông Putin cảnh báo.
Tổng thống Putin cho biết một tàu Mỹ gần đây đã tiến vào Biển Đen. Tuy nhiên, Nga có thể theo dõi hoạt động của tàu chiến này “thông qua ống nhòm hoặc qua tầm ngắm của các hệ thống phòng thủ”.
“Gần đây, một con tàu của Mỹ đã tiến vào Biển Đen. Nó có thể được nhìn thấy qua ống nhòm hoặc qua tầm nhìn của các hệ thống phòng thủ của chúng ta”, ông nói.
Phát biểu của ông Putin được đưa ra chỉ vài giờ sau khi một tàu chỉ huy đổ bộ của Mỹ, USS Mount Whitney, tiến vào Biển Đen. Hải quân Mỹ cho biết, tàu chiến này của Hạm đội 6 đã được triển khai để “tập trận với các đồng minh và đối tác NATO của Mỹ trong khu vực”.
Tàu USS Mount Whitney là tàu quân sự thứ hai của Mỹ đến Biển Đen chỉ trong vài ngày. Trước đó, tàu khu trục USS Porter, được trang bị tên lửa dẫn đường, đã đi vào khu vực này hôm 30/10.
Moscow đã lên án mạnh mẽ việc Mỹ triển khai tàu tới Biển Đen. Ngoại trưởng Sergey Lavrov tuyên bố các hoạt động này là một phần trong chính sách nhất quán của Washington nhằm khuấy động cuộc đối đầu giữa Nga và các nước láng giềng ở Biển Đen, trong đó có nhiều nước là thành viên NATO.
“Việc đưa tàu Hải quân Mỹ đến Biển Đen không phải là một sự cố cá biệt. Đã có vài lần Mỹ giải thích rõ ràng sự cần thiết phải cho các tàu chiến của họ đi vào tuyến đường thủy này để ‘kiềm chế’ Nga”, ông Lavrov cho biết hôm 31/10 bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome.
Động thái gia tăng các hoạt động của quân đội Mỹ và NATO ở gần biên giới của Nga diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa liên minh này và Moscow ngày càng lạnh nhạt và có chiều hướng xấu đi.
Tháng trước, NATO tuyên bố sẽ trục xuất 8 nhà ngoại giao Nga khỏi trụ sở Brussels vì cáo buộc là gián điệp. Đáp lại, Nga tuyên bố đình chỉ mọi quan hệ với liên minh này, đưa toàn bộ các nhà ngoại giao về nước và đóng cửa văn phòng của NATO tại Moscow.
Ông Lavrov cũng cho biết cuộc họp kéo dài của Hội đồng Nga với NATO, ban đầu được thiết kế để cải thiện mối quan hệ giữa khối và Moscow, đã không đạt được hiệu quả gì.