Theo Reuters, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga đã nói với hãng tin này rằng bà tin là phương Tây đang đi “bên bờ vực thẳm” và đẩy thế giới đến bờ vực thẳm với những hành động của họ đối với Ukraine.
Bà Zakharova cho rằng cuộc chiến ở Ukraine có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và mở rộng về mặt địa lý do những hành động thiếu cân nhắc của một hoặc hai quốc gia thành viên trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đồng thời khuyên phương Tây từ bỏ ý định đánh bại Nga về mặt chiến lược.
Trong một tin nhắn trên Telegram, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Kiev về các hoạt động mà bà gọi là “khủng bố” liên quan tới âm mưu phá hoại cuộc bầu cử sắp tới ở Nga.
Xem video phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova. Nguồn: Reuters
Trước đó cùng ngày, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin nói rằng nước này sẽ triển khai quân đội và các hệ thống tấn công tới gần biên giới với Phần Lan và Thụy Điển, 2 quốc gia vừa gia nhập NATO.
Còn vào cuối tháng 2/2024, nhà lãnh đạo Nga đã ký sắc lệnh tái lập Quân khu Moskva và Quân khu Leningrad để củng cố các lực lượng quân đội ở phía Tây Bắc nước này khi NATO mở rộng.
Ngày 11/3, Thụy Điển chính thức trở thành thành viên thứ 32 của NATO, chấm dứt chính sách không liên kết quân sự mà Stokholm đã áp dụng từ lâu. Phần Lan cũng đã tham gia tổ chức này từ năm 2023.
Theo báo Bưu điện Washington của Mỹ, sự gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan sẽ mang lại sự bổ sung lực lượng đáng kể cho NATO.
Thụy Điển là quốc gia có hải quân mạnh mẽ, lại có thể đóng góp vào việc sản xuất khí tài của NATO khi nước này đang tự mình sản xuất máy bay chiến đấu.
Phần Lan cũng có quân đội được đầu tư bài bản, hùng hậu vì đang áp dụng chính sách nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với nam giới.
Thụy Điển và Phần Lan bao phủ gần hết đường bờ biển phía Bắc của Biển Baltic. Do đó, việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan đã đặt gần như toàn bộ biển này dưới sự kiểm soát của NATO.
Điều này không khỏi khiến Moskva lo ngại bởi Biển Baltic từ lâu đã có ý nghĩa chiến lược với Nga. Nga hiện có thành phố St. Petersburg và vùng lãnh thổ tách rời Kaliningrad tiếp giáp Biển Baltic. Nếu xung đột giữa Nga và NATO xảy ra, các nước NATO được cho là sẽ có thêm nhiều hướng tấn công nhằm vào cả hai nơi này.
Bên cạnh đó, chỉ với việc Phần Lan gia nhập NATO, chiều dài đường biên giới trên bộ của NATO với Nga đã tăng gấp đôi, thêm hơn 1.300 km, một mặt tạo áp lực không nhỏ lên Moskva khi phải tăng cường bảo vệ biên giới, mặt khác NATO cũng sẽ phải bảo vệ đường biên giới này trong trường hợp Nga tấn công.