Theo kênh CNN, vào thời điểm xảy ra phun trào núi lửa White Island, có tổng cộng 47 người trên đảo. Tám người trong số đó đã thiệt mạng và trên 20 người khác được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Giới chức đang tiến hành hoạt động tìm kiếm cứu hộ những người mất tích còn lại.
Bệnh viện cho biết những bệnh nhân bị bỏng nặng trong vụ phun trào nham thạch đang cần được ghép da. Ngày 10/12, giới chức y tế cho hay 27 bệnh nhân trong bệnh viện bị bỏng đến 30% cơ thể. Nhiều người bị bỏng đường hô hấp và cần hỗ trợ đường thở.
“Hiện chúng tôi có nguồn cung da ghép, nhưng vẫn tiếp tục tìm kiếm các nguồn cung khác để đáp ứng nhu cầu ghép da. Chúng tôi dự kiến sẽ cần thêm 120m2 da ghép cho nhu cầu liên tục của bệnh nhân”, ông Peter Watson thuộc Hội đồng Sức khỏe Quận cho biết. Trung bình cơ thể một người có từ 1 đến 2m2 da.
Nguồn hàng cung cấp da mà New Zealand đặt có xuất xứ từ Mỹ. Các ngân hàng mô và da đến từ quốc gia láng giềng Australia, như Ngân hàng Hiến Mô Victoria, cũng hỗ trợ cung cấp da ghép.
Giống những người hiến tạng, người hiến da đăng ký hiến tặng sau khi chết. Các bác sĩ sẽ chỉ lấy lớp da mỏng trên cơ thể người để hiến tặng. Phần da ghép có trong các ngân hàng đều được lấy từ lưng hoặc bắp chân của người hiến tặng.
Núi lửa White Island bắt đầu phun trào vào lúc 14 giờ 11 phút (giờ địa phương) ngày 9/11 trên White Island, với những cột tro bụi bốc cao tới 3.600 mét. Cảnh sát New Zealand đã hoãn tìm kiếm thi thể các nạn nhân ở khu vực núi lửa, cho rằng việc vội vàng đáp xuống khu vực thảm họa hiện vẫn âm ỉ cháy này là vô cùng nguy hiểm. Hiện vẫn còn nhiều khí độc phát tán từ miệng núi lửa White Island và hoạt động phun trào trước đó đã khiến hòn đảo này bị bao phủ bởi một lớp dày tro bụi axit. Các nhà địa chấn học dự đoán có 50% khả năng sẽ xảy ra một đợt núi lửa phun trào nữa trên đảo này.
Theo cơ quan giám sát địa chất học của New Zealand GeoNet, cảnh báo núi lửa hiện vẫn ở cấp độ 3 và tình hình vẫn rất bất ổn, vẫn có khả năng núi lửa phun trào trong 24 giờ tới.