Trụ sở NATO tại Brussels, Bỉ. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Thông tin nêu trên được tờ New York Times đăng tải trên cơ sở dẫn lời một số quan chức và bản ghi nhớ nội bộ.
Theo tiết lộ từ hai quan chức giấu tên, đề xuất này nằm trong khuôn khổ kế hoạch cắt giảm mạnh chi tiêu của Bộ Ngoại giao Mỹ - lên đến gần 50%. Bên cạnh đó, bản kế hoạch còn bao gồm việc giảm mạnh tài trợ cho các chiến dịch gìn giữ hòa bình quốc tế, chấm dứt mọi chương trình trao đổi giáo dục và văn hóa của Bộ Ngoại giao, đồng thời cắt giảm hơn một nửa ngân sách dành cho các chương trình hỗ trợ nhân đạo và y tế toàn cầu.
Hiện chưa rõ Bộ trưởng Ngoại giao Marco Rubio có ủng hộ kế hoạch cắt giảm sâu rộng này hay không.
Các nguồn tin của hãng thông tấn AP cũng đã xác nhận sự tồn tại của bản đề xuất này, đồng thời cho biết đề xuất vẫn phải trải qua nhiều vòng đánh giá trước khi được trình lên Quốc hội để phê duyệt. Một quan chức cấp cao của Mỹ mô tả bản dự thảo ngân sách là “mạnh bạo” trong tham vọng cắt giảm chi tiêu.
Trước những thắc mắc xoay quanh việc giảm tài trợ cho NATO, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Tammy Bruce khẳng định Mỹ vẫn duy trì cam kết vững chắc với khối quân sự này. Tuy nhiên, bà Bruce nhấn mạnh Washington không xem NATO như một công cụ để can dự vào chiến tranh, mà là một cơ chế răn đe chiến lược.
“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng các quốc gia trong NATO thực sự có thể thực hiện đúng sứ mệnh của mình, đó là răn đe. NATO không được tạo ra để hỗ trợ chiến tranh hay giúp đánh bại kẻ thù. Nó là một liên minh nhằm ngăn chặn cái ác ngay từ đầu”, bà nói.
Chính quyền Tổng thống Trump đã nhiều lần kêu gọi các quốc gia thành viên NATO tăng chi tiêu quốc phòng, cho rằng Mỹ đang gánh vác phần lớn gánh nặng tài chính một cách không công bằng. Ông Trump thậm chí còn cảnh báo Mỹ có thể không bảo vệ những thành viên không đáp ứng mức chi tiêu tối thiểu theo quy định.
Ngày 14/4, Phó Tổng thống J.D. Vance nhấn mạnh rằng châu Âu không thể tiếp tục là một “chư hầu an ninh vĩnh viễn” của Mỹ, đồng thời cho rằng hiện trạng này đang gây bất lợi cho cả Washington lẫn các nước châu Âu.