New York phát hiện nhiều con chuột nhiễm các chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau

Nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học tại Đại học Missouri (Mỹ) đã phát hiện nhiều con chuột ở thành phố New York đã nhiễm các biến thể Alpha, Delta và Omicron của SARS-CoV-2, loại virus gây bệnh COVID-19.

Chú thích ảnh
Nghiên cứu mới phát hiện sự hiện diện của virus SARS-CoV-2 ở chuột. Ảnh: New York Post

Theo đài Sputnik (Nga), phát hiện mới làm dấy lên lo ngại dịch bệnh hô hấp có thể lây lan trở lại New York - thành phố có khoảng 8 triệu con chuột sinh sống. Chuột là loài vật phổ biến ở khắp New York, thường chui rúc trong cống rãnh, tàu điện ngầm, công viên và các tòa nhà bỏ hoang.

Ông Tom DeLiberto - đồng tác giả nghiên cứu, Điều phối viên SARS-CoV-2 tại Cơ quan Kiểm tra Sức khỏe Động thực vật (APHIS) của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) - cho biết nhóm nhà nghiên cứu đã phân tích chuột Na Uy (còn gọi là chuột nâu) được bắt từ nhiều nơi gần cống rãnh thành phố từ năm 2021 để tìm kiếm bằng chứng về virus SARS-CoV-2.

Sau khi nghiên cứu dịch tễ học và giải trình tự gien, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 13 trong số 79 con chuột (chiếm 16,5%) có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-COV-2. Theo kết quả trên Tạp chí mBio của Hiệp hội Vi sinh Mỹ, ước tính 1,3 triệu trong số 8 triệu con chuột của thành phố New York có thể đã mắc COVID-19. 

Ông Henry Wan, điều tra viên chính của nghiên cứu, Giám đốc Trung tâm Cúm và Bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Đại học Missouri, nói: “Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên cho thấy các biến thể SARS-CoV-2 có thể lây lan virus cho quần thể chuột hoang dã ở một khu vực đô thị lớn của Mỹ”.

Các nhà nghiên cứu cũng cho biết các biến thể gồm Alpha, Delta và Omicron tìm thấy ở người trong đại dịch có thể lây nhiễm ở chuột, đồng thời biến đổi để thích nghi với vật chủ mới.

“Phát hiện của chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải theo dõi thêm virus SARS-CoV-2 trong quần thể chuột. Từ đó, chúng ta có thể tìm hiểu về khả năng lây truyền bệnh từ động vật thứ cấp sang người. Nhìn chung, nghiên cứu cho thấy động vật có thể đóng vai trò làm vật chủ trung gian, lây nhiễm virus cho con người trong đại dịch. Điều quan trọng là chúng ta phải tiếp tục nâng cao hiểu biết để bảo vệ sức khỏe của cả con người và động vật”, ông Wan nói.

Trên thực tế, động vật nhiễm virus gây bệnh COVID-19 hầu như không mới. Khi đại dịch bùng phát vào năm 2020, giới chức đã tiêu huỷ khoảng 17 triệu con chồn ở Đan Mạch khi phát hiện một chủng virus mới. Năm ngoái tại Hong Kong (Trung Quốc), 2.000 con chuột hamster nhập khẩu cũng đã bị tiêu huỷ.

Tháng 8/2022, một công cụ theo dõi toàn cầu tiết lộ rằng tất cả các loại động vật đã nhiễm COVID-19 - bao gồm chồn, chuột đồng, mèo và chó.

Nghiên cứu mới về chuột nói trên được đưa ra trong bối cảnh cuộc điều tra gần đây của Bộ Năng lượng Mỹ đã củng cố báo cáo virus có thể đã bị “rò rỉ” từ một phòng thí nghiệm Trung Quốc, làm sống lại giả thuyết phòng thí nghiệm Vũ Hán ở Trung Quốc có thể là nguồn gốc của đợt bùng phát.

Bắc Kinh đã bác bỏ những tuyên bố này, dẫn kết quả cuộc điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng rất khó có khả năng phòng thí nghiệm Vũ Hán là nguồn gốc của đợt bùng phát đại dịch này. 

Vân Khánh/Báo Tin tức (Theo Sputnik)
Giới khoa học hồi sinh virus ‘xác sống’ bị đóng băng 48.500 năm
Giới khoa học hồi sinh virus ‘xác sống’ bị đóng băng 48.500 năm

Nhiệt độ ấm dần hơn ở Bắc Cực đang làm tan lớp băng vĩnh cửu của Trái Đất và có khả năng giải phóng các loại virus còn khả năng lây nhiễm sau hàng chục nghìn năm bị đóng băng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN