Đài Sputnik đưa tin các nhà lập pháp đảng Dân chủ tại Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ đã soạn ra một dự luật nhằm ngăn chặn các tập đoàn công nghệ lớn Mỹ vận hành như các tổ chức tài chính hoặc phát hành đồng tiền số riêng.
Động thái này đã gia tăng áp lực lên kế hoạch ra mắt đồng tiền số Libra của “gã khổng lồ” Facebook. Ngay từ khi công bố ý tưởng, giới lập pháp Mỹ đã bày tỏ những lo ngại sâu sắc về cách quản lý Libra.
Theo nguồn tin của Reuters, nếu dự luật mang tên “Ngăn các hãng công nghệ lớn hoạt động tài chính” (Keep Big Tech Out Of Finance Act) được phê duyệt, những tập đoàn công nghệ với doanh thu toàn cầu hàng năm đạt trên 25 tỷ USD vi phạm quy tắc có thể chịu mức phạt 1 triệu USD mỗi ngày.
Dự luật mới của Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ nhằm xác định những công ty nào được coi là “Big Tech”, đồng thời cấm họ phát hành “một tài sản kỹ thuật số được sử dụng rộng rãi làm phương tiện trao đổi, đơn vị hạch toán, giá trị lưu trữ hoặc bất kỳ chức năng tương tự nào khác”.
Dự án ra mắt đồng tiền số Libra của Facebook cũng sẽ được Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) - cơ quan quản lý chính của ngành chứng khoán Mỹ - xem xét kỹ lưỡng. Được biết, SEC đang làm rõ vấn đề liệu thiết kế của Libra có thể được xem như một quỹ hoán đổi danh mục (exchange-traded fund) hay không. Quỹ hoán đổi danh mục vừa mang đặc điểm của một quỹ đầu tư, vừa mang đặc điểm của một cổ phiếu khi được niêm yết và giao dịch trên sàn chứng khoán.
Nếu các nhà lập pháp phát hiện Libra có thể vận hành như một quỹ hoán đổi danh mục, Facebook sẽ phải xin phép Chính phủ Mỹ phê duyệt kế hoạch dịch vụ thanh toán số này. Theo đó, Libra sẽ chịu sự chi phối của Facebook và 28 đối tác trong đó có Visa, Mastercard, PayPal, Uber, Lyft và Spotify.
Ngay từ khi còn trong giai đoạn “thai nghén”, đồng tiền số đầu tiên của ông chủ Facebook Mark Zukerberg đã vấp phải sự lên án của Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng với một số nhà lập pháp và chuyên gia công nghệ. Ông Trump cho rằng Libra sẽ “có ít chỗ đứng hoặc thiếu độ tin cậy” và gợi ý Facebook nên đăng ký hoạt động như một ngân hàng và tuân theo các luật lệ trong ngành ngân hàng.
Nhằm bảo vệ Libra khỏi biến động giá cả, hãng công nghệ Mỹ cho biết đồng tiền này sẽ được hỗ trợ bởi “các tài sản có độ biến động thấp, chẳng hạn như tiền gửi ngân hàng và chứng khoán ngắn hạn của chính phủ” dưới dạng các đồng tiền mạnh (hard currency). Đây là thuật ngữ chỉ đồng tiền dễ dàng chuyển đổi tại bất kỳ quốc gia nào với tỷ giá ổn định. Thông thường, đây là đơn vị tiền tệ của các quốc gia phát triển có nền kinh tế mạnh. Do đó, hard currency được coi là công cụ đầu tư khá tốt. Tuy vậy, các cơ quan quản lý tài chính vẫn lo ngại về việc Libra có thể bị sử dụng gian lận.
Trong phiên điều trần tại Quốc hội tuần trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell khẳng định Libra làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về quyền riêng tư, rửa tiền, bảo vệ người tiêu dùng, ổn định tài chính. Ông cũng cho rằng Facebook nên dừng dự án lại cho đến khi những lo ngại trên được làm rõ.
Các đại diện của Facebook, cùng với giám đốc của ba “gã khổng lồ” khác là Google, Amazon và Apple, sẽ có cuộc điều trần về quy tắc chống độc quyền vào hôm 16/7. Số phận của đồng tiền Libra dự kiến cũng được thảo luận trong cuộc điều trần này.