Có tin Uỷ ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã bỏ phiếu thông qua mức phạt gần 5 tỉ USD với Facebook để dàn xếp cuộc điều tra nhằm vào các vi phạm quyền riêng tư khách hàng của công ty này trong vụ bê bối Cambridge Analytica.
Hai tờ báo Wall Street Journal và Washington Post, đều dẫn nguồn thạo tin giấu tên, ngày 12/7 (theo giờ Mỹ) cho biết vụ dàn xếp được thông qua với tỉ lệ phiếu là 3-2, trong đó các thành viên đảng Cộng hoà ủng hộ và thành viên Dân chủ phản đối. Dự kiến, Bộ Tư pháp sẽ tiến hành lần thông qua cuối cùng về mức phạt.
Hiện cả Facebook và FTC đều từ chối bình luận về thông tin trên. Trong khi giới nghị sĩ và các nhà đầu tư đã lên tiếng chỉ trích mức phạt là "không thấm vào đâu" với một công ty khổng lồ như Facebook. Nghị sĩ Dân chủ David Cicilline nhận xét rằng "FTC đã trao cho Facebook món quà Giáng sinh sớm 5 tháng. Thật thất vọng khi một công ty khổng lồ, gây sai phạm nghiêm trọng như vậy lại chỉ bị phạt kiểu gõ thước vào tay" một cách nhẹ nhàng.
Cuộc điều tra của FTC được tiến hành từ tháng 3/2018 sau khi tờ Guardian tiết lộ việc hãng tư vấn dữ liệu Cambridge Analytica đã lấy được thông tin cá nhân của hơn 50 triệu người dùng Facebook một cách trái phép.
Vì Facebook từng ký một sắc lệnh đồng thuận với FTC năm 2012, nhất trí về việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, nên cuộc điều tra của cơ quan này đã tập trung vào vấn đề Facebook có vi phạm sắc lệnh đó hay không.
Mức phạt 5 tỉ USD, nếu được Bộ Tư pháp Mỹ phê chuẩn, sẽ là mức phạt lớn nhất FTC đưa ra với một hãng công nghệ. Đó cũng là mức phạt lớn nhất cho tới nay với bất cứ công ty nào vì tội vi phạm quyền riêng tư của khách hàng.
Trước đó, tháng 4/2019, thời điểm Facebook gần hoàn tất quá trình đàm phán với FTC về mức xử phạt, công ty này đã ước tính mức phạt với họ nằm trong khoảng từ 3-5 tỉ USD.
Facebook sẽ phải kiểm tra lại các phương thức xử lý dữ liệu khách hàng của họ sau sự cố này. Tuy nhiên theo truyền thông Mỹ, việc xử phạt cũng sẽ không ngăn được khả năng công ty này tiếp tục chia sẻ dữ liệu người dùng với các bên thứ ba.
Phản ứng về mức phạt
Dư luận chỉ trích cho rằng những thay đổi được yêu cầu với Facebook là chưa đủ lớn. Mức phạt, dù là 5 tỉ USD, vẫn sẽ chưa đủ sức răn đe với một công ty mà chỉ trong quý 1 tài khóa 2019 đã có thu nhập hơn 15 tỉ USD.
"Đây không phải là phạt, đây là một ân huệ với Facebook, một mức phạt sẽ mở đường cho họ tiến hành thêm nhiều hoạt động theo dõi bất hợp pháp nữa", ông Matt Stoller, chuyên gia tại Viện Các thị trường Mở lên tiếng. "Quốc hội nên bắt đầu cắt ngân sách FTC và chuyển tiền cho những người thực thi pháp luật bang như Karl Racine, người tin vào thực thi luật pháp", ông Stoller nêu ý kiến, ám chỉ tới Tổng chưởng lý của Washington D.C, người đang theo đuổi vụ kiện chống Facbook trong bê bối Cambridge Analytica.
Các nhà đâu tư cũng đồng ý với ý kiến trên, trong khi đó, giá cổ phiếu của Facebook thậm chí còn tăng hơn 1% trước lúc đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần khi có thông tin này.
Nghị sĩ David Cicilline, người hiện là Chủ tịch một tiểu ban của Hạ viện về vấn đề chống độc quyền, đã phản ứng trên Twitter: "Mức phạt này chỉ như 'muỗi đốt chân voi' đối với một công ty có quy mô như Facebook... Và tôi e rằng nó sẽ khiến Facebook thoát khỏi những vụ lạm dụng dữ liệu của người Mỹ khác gần đây do việc xử lý không thỏa đáng này. Cách duy nhất để đảm bảo với người Mỹ rằng dữ liệu riêng tư của chúng ta sẽ được bảo vệ là thông qua dự luật bảo mật mạnh mẽ, giống như dự án tôi dự định giới thiệu trong vài tuần tới".
Các nhà lập pháp Mỹ cũng cho rằng phán quyết và mức phạt tương đối thấp cho thấy luật bảo vệ thông tin cá nhân liên bang là cần thiết. "Facebook đã lặp đi lặp lại các vi phạm quyền riêng tư, rõ ràng cần phải cải cách cơ cấu một cách cơ bản", Thượng nghị sĩ Mark R. Warner nói.
Facebook dự kiến đối mặt nhiều thách thức về quy định luật pháp khi họ tìm cách tung ra đồng tiền số Libra vào năm 2020.
Vụ bê bối rúng động thế giới
Vụ rò rỉ thông tin được cho là lớn nhất trong lịch sử Facebook bị báo chí phanh phui từ tháng 3/2018. Ban đầu công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica bị phát hiện sở hữu lượng thông tin cá nhân của hơn 50 triệu tài khoản Facebook. Kho dữ liệu này được mua lại từ Aleksandr Kogan, một giảng viên Đại học Cambridge,thông qua việc thu thập thông tin dựa trên ứng dụng thisisyourdigitallife. Sự vụ gây rúng động bởi kho dữ liệu được cho là dùng để phân tích, tạo nội dung quảng cáo ủng hộ ứng cử viên Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Facebook hoạt động dựa trên ba yếu tố: giữ người sử dụng dán mắt vào màn hình càng lâu càng tốt, thu thập dữ liệu về hành vi của họ và thuyết phục các nhà quảng cáo trả hàng tỷ USD để tiếp cận người dùng qua những quảng cáo được cá nhân hoá. Facebook đương nhiên phải phát tán những thông tin thu hút sự chú ý để bán quảng cáo. Người dùng trả càng nhiều tiền, nội dung của họ sẽ càng đến được nhiều người, và những nội dung nhận được nhiều tương tác như bình luận, like, chia sẻ... sẽ càng được ưu tiên hiển thị.
Trong vụ bê bối Cambridge Analytica, khởi phát từ năm 2013, giảng viên Đại học Kogan đã trả tiền cho những người trả lời ứng dụng khảo sát tâm lý. Ứng dụng này yêu cầu tiếp cận các thông tin như vị trí và danh sách bạn bè của họ. Có 27.000 người đồng ý tham gia. Với mạng lưới kết nối bạn bè, kết quả là tổng cộng 50 triệu người bị thu thập thông tin. Dữ liệu này cuối cùng rơi vào tay Cambridge Analytica. Sau đó Facebook đã phát hiện ra hành vi này và yêu cầu Cambridge Analytica xoá dữ liệu từ năm 2015, nhưng chuyện đó đã không xảy ra.
Tới tháng 4/2018, Mike Schroepfer, Giám đốc công nghệ Facebook, thừa nhận lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập trong vụ Cambridge Analytica lên tới 87 triệu tài khoản, thay vì mức 50 triệu như thông tin trước đó.
Cụ thể, số người bị lấy thông tin đa số ở Mỹ với hơn 70,6 triệu tài khoản, tiếp đến là Philippines với 1,17 triệu và Indonesia gần 1,1 triệu. Việt Nam đứng thứ chín với 427.446 người bị ảnh hưởng. Tính đến tháng 7/2017, Việt Nam có hơn 64 triệu người dùng Facebook, tức số tài khoản bị rò rỉ dữ liệu chiếm khoảng 0,7%.