Nếu như vào năm 2013, Triều Tiên từng tuyên bố theo đuổi chính sách “byungjin” - phát triển đồng thời cả kinh tế và vũ khí hạt nhân, thì đến năm 2018, Triều Tiên tuyên bố nước này đã hoàn thành các nhiệm vụ hạt nhân và chiến lược mới của Bình Nhưỡng là tập trung phát triển kinh tế.
Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, bất chấp các lệnh trừng phạt của quốc tế, trong năm 2016, nền kinh tế Triều Tiên đã tăng trưởng 3,9%, tốc độ nhanh nhất trong vòng 17 năm. Diện mạo thủ đô Bình Nhưỡng đang thay đổi dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Kim Jong-un.
Các khu chợ đang ngày càng xuất hiện nhiều trên cả nước. Giới thương nhân và doanh nhân khởi nghiệp ngày càng tăng. Triều Tiên giờ đây đã có những trung tâm mua sắm hiện đại, từ tivi màn hình phẳng cho đến các mặt hàng gia dụng. Dịch vụ điện thoại di động cũng đã phát triển nhanh chóng tại đất nước này.
Thủ đô Bình Nhưỡng cũng đang chứng kiến sự bùng nổ nhu cầu xây dựng chưa từng có. Kể từ khi lên nhậm chức, Chủ tịch Kim Jong-un đã khánh thành nhiều tòa nhà chung cư mới với hàng nghìn căn hộ, đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh tại Triều Tiên. Các công trình như rạp hát, công viên nước, sân bay, hay trung tâm công nghệ khoa học cũng xuất hiện khá nhiều. Tại sân bay Bình Nhưỡng, một nhà ga quốc tế mới đã đi vào hoạt động từ năm 2015. Đây là một sân bay hiện đại với trần cao, cửa kính, tiệm cafe, cửa hàng và cả khu vực bán hàng miễn thuế.
Thủ đô Bình Nhưỡng giờ đây cũng có nhiều taxi hơn. Tầng lớp thượng lưu ngày càng đông và có đủ khả năng tài chính để sắm ôtô riêng.
Ngoài ra, ngành du lịch ở Triều Tiên cũng được đánh giá là có tiềm năng phát triển rất lớn.
Các nhà phân tích nhận định, nếu các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đạt được những nhượng bộ tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai này, theo đó Triều Tiên có thể nhận được các biện pháp nới lỏng trừng phạt từ Mỹ, nền kinh tế Triều Tiên sẽ có nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.