Dữ liệu chính thức hôm 20/11 cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan trong quý 3 đã tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này thấp hơn nhiều so với kỳ vọng 2,4% của các nhà kinh tế và thấp hơn mức tăng trưởng 1,8% trong quý hai.
Dữ liệu này đánh dấu quý thứ hai liên tiếp nền kinh tế Thái Lan có dấu hiệu giảm tốc.
Ông Chua Han Teng, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng DBS, nhận xét nguyên nhân đằng sau sự chậm lại của Thái Lan là do chi tiêu công, hàng tồn kho và xuất khẩu hàng hóa bị sụt giảm, bất chấp tiêu dùng tư nhân và du lịch tăng trưởng mạnh.
Thái Lan đã trải qua nhiều tháng bế tắc chính trị và chứng kiến biến động trên thị trường chứng khoán. Mãi đến cuối tháng 9, ông Srettha Thavisin được bầu làm Thủ tướng Thái Lan, trong bối cảnh các nhà kinh tế kỳ vọng rằng sự phục hồi kinh tế dài hạn có thể gặp nhiều thách thức.
Các nhà phân tích tại Bank of America Global Research cho biết các quý liên tiếp GDP yếu báo hiệu nền kinh tế Thái Lan yếu hơn so với tâm lý thị trường cho thấy, bất chấp mức tăng trưởng mạnh mẽ về tiêu dùng.
Họ dự đoán tác động từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ rõ rệt hơn trong tương lai.
Ngân hàng Thái Lan đã tăng lãi suất chủ chốt lần thứ tám liên tiếp tại cuộc họp chính sách tháng 9 và cho biết tăng trưởng kinh tế, cũng như áp lực lạm phát sẽ tăng lên trong năm tới.
Tuy nhiên, nhóm phân tích tại Nomura dự đoán Ngân hàng Thái Lan sẽ tạm dừng tăng lãi suất cho đến hết năm 2024.
Nhóm phân tích nhận thấy khả năng Thái Lan sẽ cắt giảm lãi suất sớm nhất là vào quý 2 năm 2024.
Việc trì hoãn tăng lãi suất kéo dài hoặc khả năng cắt giảm lãi suất đều có thể là tin xấu đối với đồng baht Thái Lan. Đồng nội tệ này đã giảm 1,3% so với đồng USD từ đầu năm đến nay và đang hướng tới năm thứ tư liên tiếp bị giảm giá trị.