NATO thừa nhận bảo vệ hạ tầng dưới biển là bất khả thi

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang phải đối mặt với thách thức lớn trong việc bảo vệ mạng lưới cáp ngầm và đường ống dưới biển trước nguy cơ bị phá hoại.

Chú thích ảnh
Tàu ngầm U-32 của Đức tuần tra trên biển Baltic. Ảnh tư liệu: REUTERS/TTXVN

Đây là nhận định của người đứng đầu trung tâm bảo vệ cơ sở hạ tầng của liên minh quân sự này, ông Niels Markussen, đưa ra vào hôm 16/1.

Kể từ khi một số cáp viễn thông và đường ống năng lượng dưới biển bị cắt đứt, các quốc gia quanh khu vực Biển Baltic đang ráo riết củng cố hệ thống phòng thủ. Các chuyên gia và chính trị gia đã cáo buộc Nga đứng sau các hành vi phá hoại này, coi đó là một phần của cuộc chiến hỗn hợp nhằm vào phương Tây trong bối cảnh xung đột tại Ukraine.

Đáp lại, Nga cho rằng các cáo buộc của phương Tây là vô căn cứ.

Trong tuần này, NATO đã công bố một sứ mệnh giám sát mới tại Biển Baltic, bao gồm các tàu tuần tra và máy bay, nhằm ngăn chặn bất kỳ âm mưu nào nhằm vào hạ tầng dưới biển trong khu vực.

Tuy nhiên, ông Markussen nhấn mạnh rằng không thể ngăn chặn mọi hành vi phá hoại. "Không thể đưa tàu tuần tra trên từng dặm hải lý của hệ thống cáp hoặc đường ống. Đó là nhiệm vụ bất khả thi", ông nói với hãng tin AFP.

Ông Markussen chỉ ra rằng có khoảng 50.000 tàu lớn trên toàn cầu, bất kỳ chiếc nào cũng có thể thả neo và kéo lê qua hạ tầng ngầm.

Dù không thể ngăn chặn mọi sự cố, NATO kỳ vọng sứ mệnh tại Biển Baltic sẽ cải thiện năng lực giám sát, tạo ra một bức tranh rõ ràng hơn về hoạt động trong khu vực, đồng thời mang lại hiệu quả răn đe.

Ông Markussen nhận định tuy không ngăn chặn được toàn bộ các sự cố, nhưng nhiệm vụ này sẽ tập trung sự chú ý vào vấn đề, tăng cường giám sát và hiểu rõ hơn ai và cái gì đang hoạt động ở đó.

Căng thẳng tại khu vực Biển Baltic đã gia tăng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022.

Tháng 10/2023, một đường ống dẫn khí giữa Phần Lan và Estonia bị hư hại bởi neo của một tàu hàng. Tháng 11/2023, hai cáp viễn thông tại vùng biển Thụy Điển bị cắt đứt. Ngày 25/12/24, cáp điện Estlink 2 và bốn cáp viễn thông nối Phần Lan và Estonia bị hư hại.

Các cuộc điều tra đang được tiến hành, với nghi ngờ rằng một số sự cố do tàu chở dầu Eagle S, treo cờ Quần đảo Cook và được cho là thuộc "hạm đội bóng tối" chuyên vận chuyển dầu của Nga, gây ra.

Bảo vệ hạ tầng dưới biển thường được coi là trách nhiệm của các công ty tư nhân vận hành hoặc các quốc gia sở tại. Tuy nhiên, ông Markussen cho biết các nước thành viên NATO đang nhanh chóng tăng cường hợp tác để bảo vệ các liên kết năng lượng và thông tin quan trọng.

Các nước NATO cũng đang áp dụng các công nghệ tiên tiến, bao gồm trí tuệ nhân tạo và thiết bị bay không người lái dưới nước, để đối phó với mối đe dọa này.

Một vấn đề đầu tiên là xác định rõ ràng vị trí của hạ tầng dưới biển, do các quốc gia và công ty thường e ngại chia sẻ thông tin về các tài sản chiến lược.

"Chúng ta cần hiểu rõ toàn bộ hệ thống hạ tầng của mình, chúng ở đâu và hoạt động như thế nào", ông Markussen kết luận.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo AFP/france24)
Thêm một tuyến cáp ngầm nối Phần Lan và Thụy Điển bị hư hại
Thêm một tuyến cáp ngầm nối Phần Lan và Thụy Điển bị hư hại

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Bộ trưởng Phòng thủ Dân sự Thụy Điển Karrl-Oskar Bohlin ngày 14/1 cho biết một tuyến cáp ngầm khác giữa Thụy Điển và Phần Lan ở Biển Baltic đã bị hư hại, nhưng chưa rõ nguyên nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN