Thiên thạch mang tên 2024 YR4 được phát hiện bởi Hệ thống Cảnh báo Va chạm Thiên thạch của NASA (ATLAS) vào ngày 27/12/2024. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, xác suất va chạm với Trái Đất vào năm 2032 là khoảng 1,2% (tương đương 1/83).
Với kích thước khoảng 55 mét, thiên thạch này tuy không đủ lớn để gây họa diệt chủng, nhưng năng lượng va chạm của nó được ước tính vào khoảng 8 megaton - gấp hơn 500 lần sức công phá của quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima. Một vụ va chạm như vậy có thể xóa sổ hoàn toàn một đô thị lớn.
Trong nửa thế kỷ tới, Trái Đất sẽ có nhiều lần "chạm mặt" với thiên thạch này. Lần tiếp cận đầu tiên sẽ diễn ra vào cuối năm 2028, sau đó là 6 lần khác trong giai đoạn 2032-2074. Trong số này, thời điểm nguy hiểm nhất là ngày 22/12/2032.
Với các yếu tố trên, 2024 YR4 được xếp vào cấp độ 3 trên Thang đo Mức độ Nguy hiểm Va chạm Torino. Ở cấp độ này, các nhà chức trách và công chúng cần đặc biệt chú ý nếu thời điểm va chạm dự kiến còn chưa đầy một thập niên. Tuy nhiên, hầu hết các thiên thạch ở cấp độ này cuối cùng đều được hạ xuống cấp 0 - nghĩa là khả năng va chạm gần như bằng không.
Chính những mối đe dọa như thế này đã thúc đẩy NASA và các cơ quan vũ trụ khác phát triển công nghệ chuyển hướng thiên thạch, như đã được chứng minh qua sứ mệnh Thử nghiệm Chuyển hướng Thiên thạch Kép (DART) gần đây. Dù khả năng một thiên thạch gây thảm họa là rất thấp, các nhà thiên văn vẫn sẽ tiếp tục theo dõi sát sao 2024 YR4 trong quỹ đạo của nó quanh Trái Đất.