Việc cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và khí thải trong lĩnh vực năng lượng được coi là yếu tố then chốt để đạt được các mục tiêu khí hậu toàn cầu. Hơn 100 quốc gia tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 ở Dubai vào năm 2023 đã thống nhất tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030.
Báo cáo Tổng quan Điện toàn cầu của Ember cho thấy các nguồn năng lượng tái tạo đã cung cấp 30,3% lượng điện toàn cầu trong năm 2023, tăng so với mức 29,4% của năm 2022 do sự gia tăng các dự án, đặc biệt là năng lượng Mặt trời, giúp nâng cao năng lực sản xuất.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Dave Jones, Giám đốc phụ trách mảng nghiên cứu toàn cầu của Ember, cho biết công suất điện Mặt trời gia tăng trong năm 2023 giúp thể giới có thể thực sự đạt được mục tiêu tăng gấp ba lần công suất đã được cam kết tại COP28.
Báo cáo cho biết trong năm 2023, hơn 50% số cơ sở năng lượng Mặt trời và gió đã được bổ sung trên toàn cầu là đến từ Trung Quốc, với tổng sản lượng điện Mặt trời toàn cầu tăng 23,2% và điện gió tăng 9,8%.
Các chuyên gia trong ngành cho biết các vấn đề về kết nối lưới điện và giấy phép cho các dự án mới cần được giải quyết để đạt được mục tiêu.
Báo cáo trên dự đoán sự tăng trưởng liên tục của năng lượng tái tạo sẽ khiến sản lượng điện từ nhiên liệu hóa thạch giảm 2% trong năm 2024 và đẩy tổng sản lượng điện từ nhiên liệu hóa thạch xuống dưới 60% sản lượng điện toàn cầu lần đầu tiên kể từ ít nhất năm 2000, thời điểm Ember bắt đầu thu thập dữ liệu.
Báo cáo nhấn mạnh việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong lĩnh vực năng lượng ở cấp độ toàn cầu đang dần suy giảm và dẫn đến giảm phát thải trong ngành này.