Ngày 19/11, tại trụ sở ở New York (Mỹ), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã họp phiên chuyên đề về nạn cướp biển và đề xuất các biện pháp phòng chống.Phát biểu tại đây, ông Jan Eliasson, Phó Tổng Thư ký thứ nhất LHQ, cho biết trong 10 tháng đầu năm nay, trên thế giới đã xảy ra 290 vụ cướp biển, và hiện có 293 thuyền viên thuộc nhiều quốc tịch khác nhau đang nằm trong tay bọn cướp biển. Theo ông, cướp biển đang trở thành vấn đề nhức nhối toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng tự do hàng hải và cản trở hoạt động vận tải đường biển, hiện chiếm gần 90% tổng lượng hàng hóa lưu thông trên thế giới.
Cướp biển ở khu vực ngoài khơi Somalia. Nguồn: Internet. |
Phó Tổng Thư ký Eliasson nêu rõ các hành động cướp biển được tiến hành dưới nhiều hình thức và mục tiêu khác nhau, nhưng đều được vũ trang và tổ chức khá tốt. Chẳng hạn cướp biển Somalia (Xômali), thường ngang nhiên tấn công vào các con tàu biển chở hàng, cướp bóc hàng hóa, giữ tàu và thuyền viên để đòi tiền chuộc, trong khi các nhóm cướp ở Vịnh
Guinea (Ghinê) lại cướp hàng hóa trên các tàu chở dầu để mang bán ngoài chợ đen, chứ không đòi tiền chuộc. Các vùng biển thường bị nhóm hải tặc "ghé thăm" chủ yếu ở khu vực Đông Phi, Tây Phi và Thái Bình Dương.
Bày tỏ nỗi lo ngại trước hoạt động cướp biển không ngừng gia tăng cả về số vụ lẫn mức độ táo tợn trong thời gian vừa qua, ông Eliasson kêu gọi các quốc gia cùng hợp tác để chống lại vấn nạn này. Theo ông, muốn dẹp được nạn cướp biển, trước hết cộng đồng quốc tế cần giúp Somalia nhanh chóng ổn định tình hình đất nước, củng cố các thể chế nhà nước, trong đó có hệ thống bảo vệ pháp luật để ngăn chặn hoạt động cướp biển xuất phát từ quốc gia này, và đưa những kẻ phạm tội ra xét xử hình sự.
Ngoài ra, Phó Tổng thư ký Eliasson cho rằng các nước cần có cách tiếp cận và xử lý nạn cướp biển một cách đa dạng, phối hợp nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có việc phải thường xuyên chia sẻ thông tin và hợp tác xử lý mọi tình huống. Tuy nhiên, theo ông, biện pháp tối quan trọng để đề phòng cướp biển là mỗi con tàu trước khi ra khơi phải hoàn thiện ở mức tối đa các biện pháp tự bảo vệ mình.
Ông cũng cho biết thêm hiện có tới 20% số tàu biển không hề có các biện pháp tự bảo vệ này, nên rất dễ bị bọn cướp biển tấn công. Theo giới chuyên gia, ước tính ngành hàng hải đang chi 6,6 tỷ USD mỗi năm cho việc tăng cường các biện pháp an ninh. Các vụ hải tặc Somalia tấn công có chiều hướng giảm do các hạm đội tàu chiến quốc tế đi tuần trên các tuyến hàng hải và nhiều tàu hàng có lực lượng bảo vệ.
Theo số liệu do cơ quan phòng chống tội phạm của LHQ vừa công bố, trong năm 2011, ngoài hàng hóa và các loại vật dụng khác, bọn cướp biển Somalia còn kiếm được 170 triệu USD tiền chuộc tàu và thủy thủ, và như vậy, để giải phóng một thủy thủ đoàn, các chủ tàu thường phải trả chừng 5 triệu USD, tùy theo số lượng các thuyền viên, trong khi để lấy lại một con tàu bị cướp, thường phải mất không dưới 10 triệu USD.
TTXVN/ Tin Tức