Năm tái định hình sự phát triển của Mexico

Vị tổng thống theo đường lối cảnh tả đầu tiên tại Mexico sau hàng thập niên, ông Andrés Manuel López Obrador đã trải qua 1 năm cầm quyền với nhiều cải cách quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và ngoại giao... nhằm tái định hình sự phát triển của đất nước.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador. Ảnh: AFP/TTXVN

Không ít những thành công khởi đầu, song Tổng thống Lopez Obrador vẫn còn nhiều việc phải làm để "phá bỏ" ảnh hưởng của các chính sách tự do mới tồn tại suốt 30 năm ở Mexico, vốn đem lại lợi ích cho các nhóm kinh tế quốc gia và nước ngoài. 

Nhậm chức Tổng thống Mexico ngày 1/12 năm ngoái với cam kết đưa đất nước bước vào thời kỳ “Chuyển đổi lần thứ tư”, ông Lopez Obrador đã triển khai hàng loạt biện pháp cải cách dựa trên cương lĩnh tranh cử “Proyecto 18” (Dự án 18) hay còn được hiểu là “Dự án thay thế của quốc gia”, trong đó tập trung vào các điểm chính về pháp lý và chống tham nhũng, chống nghèo đói, duy trì an ninh trật tự, chính sách tài chính chặt chẽ, phát triển bền vững và nâng cao mức sống người dân, tái thiết quốc gia... nhằm biến Mexico trở thành một đất nước an ninh, hòa bình và thịnh vượng.

Về mặt kinh tế, Tổng thống Lopez Obrador đang đặt nền móng hướng tới một nền kinh tế khác biệt với chủ nghĩa tự do mới. Theo đó, chính phủ mới đã đưa ra Kế hoạch phát triển quốc gia dựa trên các trụ cột chính gồm đổi mới, đa dạng hóa và hội nhập nhằm thúc đẩy phúc lợi xã hội, thông qua các chính sách như cắt giảm chi tiêu công (trong đó có lương của chính tổng thống), tăng lương cơ bản, hỗ trợ người nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, đặc biệt đối với dân số trẻ.

Một trong những thành quả ở lĩnh vực này là phục hồi và tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí quốc gia (Pemex) sau nhiều năm tư nhân hóa và thâm hụt ngân sách; nạn trộm cắp xăng dầu đã giảm tới 94%; nâng tiền hưu trí và cấp học bổng hằng tháng cho học sinh, sinh viên theo chương trình Giới trẻ đóng góp vào tương lai…. Mặc dù tăng trưởng kinh tế dự kiến là 0% trong năm 2019, một phần do những tác động từ bên ngoài cũng như những bất ổn nội bộ kể từ khi ông Lopez Obrador giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 7/2018 - nhưng điều quan trọng nhất là chính phủ đã kiểm soát và ổn định tỷ giá hối đoái và lạm phát trong năm đầu tiên. Như Tổng thống Lopez Obrador thừa nhận nhân buổi lễ kỷ niệm 1 năm ngày nhậm chức, tăng trưởng kinh tế Mexico chậm hơn kỳ vọng, song việc phân bổ thịnh vượng đã được cải thiện theo hướng công bằng hơn, tiền chi ngân sách đã đến với đa số người dân.

Chính sách chống tham nhũng cũng là một trong những mục tiêu hàng đầu và đạt được thành công nhất định đối với chính phủ của Tổng thống Lopez Obrador. Ngay trong năm cầm quyền đầu tiên, chính phủ đã phanh phui nhiều vụ án tham nhũng có sự tiếp tay của các quan chức và sỹ quan cao cấp. Nhiều sỹ quan quân đội đã bị bắt do "hậu thuẫn" cho nạn ăn cắp nhiên liệu, từng gây thiệt hại lên đến 146,4 tỷ peso (tương đương 7,43 tỷ USD) đối với Mexico khi trung bình khoảng 42.400 thùng nhiên liệu bị đánh cắp mỗi ngày; một số chính trị gia đang chờ xét xử vì các hành vi tham nhũng... Chính sách chống tham nhũng kiên quyết đã nhận được sự ủng hộ cao của người dân Mexico, bất chấp một bộ phận chính trị gia hay các đảng phái đối lập tìm cách chỉ trích.

Đối mặt với thách thức về an ninh sau hơn một thập niên Mexico áp dụng quân sự hóa chính sách chống buôn bán ma túy, chính phủ của Tổng thống Lopez Obrador đã đưa ra Kế hoạch hòa bình và an ninh quốc gia nhằm lấy lại niềm tin của người dân, ưu tiên các biện pháp giảm đói nghèo và xóa bỏ bất bình đẳng trong xã hội, coi đây là những công cụ đắc lực để nhổ bỏ tận gốc rễ tình trạng bạo lực. Bên cạnh đó, để mạnh tay với giới tội phạm, Lực lượng Vệ binh quốc gia (GN) được thành lập.

Dấu ấn trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Lopez Obrador trong năm cầm quyền đầu tiên là việc quay lại với học thuyết Estrada. Học thuyết này là chuẩn mực cơ bản chi phối chính sách đối ngoại của Mexico từ những năm 30 của thế kỷ XX, trong đó bác bỏ tuyệt đối bất kỳ hình thức can thiệp nước ngoài nào vào các vấn đề của chính phủ nước khác. Mexico đã phản đối tại Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) việc can thiệp vào Venezuela, bác bỏ trở thành “nước thứ ba an toàn” đối với người di cư theo đề xuất của Mỹ...

Việc quay lại học thuyết Estrada được xem là một trong những khía cạnh định vị Mexico trong bối cảnh quốc tế phức tạp, đặc biệt tại khu vực Mỹ Latinh hiện nay. Trong năm 2020, với việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe (CELAC), Mexico sẽ phải đối mặt với thách thức dẫn dắt khối này trong bối cảnh khu vực bị chia rẽ giữa các chính phủ tiến bộ và các chính phủ theo chủ nghĩa tự do mới, các cuộc biểu tình đang có dấu hiệu lan rộng gây tình trạng bất ổn tại Mỹ Latinh.

Ngoài ra, chính sách đối ngoại với Mỹ, đối tác thương mại số một của Mexico, được đánh giá là khá linh hoạt và thực tế, phần nào giúp Mexico cải thiện quan hệ truyền thống với nước láng giềng, vốn đã rơi vào tình trạng “tồi tệ nhất trong lịch sử” thời kỳ trước đó. Bên cạnh đó, chính phủ của Tổng thống Lopez Obrador cũng luôn thể hiện tính tự chủ và quan điểm rõ ràng của mình trong hợp tác với Mỹ về vấn đề an ninh biên giới cũng như người di cư trái phép từ Trung Mỹ qua lãnh thổ Mexico để tìm đường tới Mỹ.

Tuy nhiên, Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), phiên bản mới của Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sau một năm ký kết vẫn chưa được quốc hội Mỹ và Canada phê chuẩn. Mặc dù NAFTA vẫn còn hiệu lực, nhưng những lời đe dọa lặp đi lặp lại của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối với hàng hóa Mexico tạo ra sự bất ổn trong các lĩnh vực liên quan đến thị trường quốc tế và tiếp tục là vấn đề đối ngoại nan giải của nước này.

Có thể nói, Tổng thống Mexico Lopez Obrador đã và đang hiện thực hóa cam kết giành lại quyền kiểm soát các nguồn lực chiến lược và chuyển hướng các nguồn lực nhà nước cho người lao động và người dân nghèo. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) của Liên hợp quốc đều đánh giá những biện pháp cải cách và chính sách mà chính phủ của Tổng thống Lopez Obrador áp dụng và triển khai trong thời gian qua sẽ tạo tiền đề để kinh tế Mexico quay lại đà tăng trưởng trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Một cuộc thăm dò vừa công bố do báo El Financiero thực hiện, cho thấy sau một năm cầm quyền, ông Obrador nhận được gần 70% tỉ lệ ủng hộ. Tuy nhiên, những diễn biến bất lợi từ bên ngoài và cả trong nước, như sự bất đồng giữa chính quyền với cộng đồng doanh nghiệp về một số dự án quan trọng, sẽ tạo thêm nhiều khó khăn và phức tạp, thử thách bản lĩnh của Tổng thống Lopez Obrador trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ.

Việt Hùng (Pv TTXVN tại Mexico)
Mexico phản ứng về phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump
Mexico phản ứng về phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Bộ Ngoại giao Mexico ngày 26/11 cho biết sẽ đề nghị tiến hành một cuộc gặp cấp cao với các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ngày tuyên bố ông sẽ đưa các băng nhóm tội phạm ma túy ở Mexico vào danh sách các nhóm khủng bố. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN