Như vậy, Nam Phi trở thành quốc gia châu Phi thứ 3 (sau Maroc và Ai Cập) và nước đầu tiên ở khu vực phía Nam Sahara gia nhập TAC, mang lại cơ hội hợp tác chính thức trên nhiều lĩnh vực giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và "Đất nước Cầu Vồng".
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, lễ ký kết trực tuyến hiệp ước diễn ra tại trụ sở Quốc hội Nam Phi tại thành phố Cape Town, với sự tham gia của các trưởng đại diện hoặc đại diện các cơ quan đại diện ngoại giao thuộc Ủy ban ASEAN tại Pretoria (APC).
Phát biểu tại sự kiện này, thay mặt Nhà nước, Chính phủ và người dân Nam Phi, Bộ trưởng Naledi Pandor cảm ơn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh với vai trò chủ trì lễ ký và đánh giá cao sự ủng hộ và tạo điều kiện của các nước ASEAN để Nam Phi ký kết gia nhập TAC.
Theo Bộ trưởng Pandor, trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới khu vực Đông Nam Á năm 1997, Tổng thống Nelson Mandela - Tổng thống đầu tiên của nước Nam Phi dân chủ - đã thể hiện sự ngưỡng mộ với những thành tựu ASEAN đạt được, đồng thời bày tỏ mong muốn Nam Phi nói riêng, châu Phi nói chung sẽ xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn với ASEAN nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước. Trong chuyến thăm tới ASEAN năm 2002, Tổng thống Thabo Mbeki tiếp tục thể hiện mong muốn Nam Phi là thành viên tham gia TAC. Việc Nam Phi gia nhập TAC nhằm hướng tới mối quan hệ bạn bè và hợp tác chặt chẽ hơn, thể hiện mong ước và khát vọng của Nam Phi là một phần của câu chuyện phát triển thành công, thành tựu kinh tế mà các nước Đông Nam Á đã đạt được. Bộ trưởng Naledi Pandor khẳng định sự kiện này thể hiện sự cố gắng của các bên liên quan, bất chấp những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.
Việc Nam Phi gia nhập TAC là dấu mốc lịch sử, chính thức hóa mối quan hệ giữa Nam Phi với ASEAN với tư cách là một khối, mở ra cơ hội tăng trưởng và hợp tác địa - chính trị, hợp tác sản xuất, thúc đẩy đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục và du lịch, chia sẻ kiến thức chuyên môn khoa học và trao đổi học thuật,... vì sự tiến bộ và thịnh vượng chung.
Là khu vực có khoảng 650 triệu dân với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức 2.800 tỷ USD, ASEAN mang đến những cơ hội to lớn cho Nam Phi nói riêng và châu Phi nói chung. Trong bối cảnh Nam Phi đang thực thi chiến lược hồi phục và tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19, việc thúc đẩy quan hệ với Đông Nam Á - một trung tâm tăng trưởng kinh tế trong thời điểm khó khăn hiện nay - được đánh giá là hướng đi hợp lý và khả thi.
Hiện có trên 30 nước ở nhiều châu lục khác nhau đã ký kết TAC.