Theo đài Sputnik, biện pháp trên sẽ giúp giảm 10% tiêu thụ năng lượng và tiết kiệm tới 1,25 triệu USD mỗi năm. Cơ quan này cũng đã hạ nhiệt độ trong các văn phòng, với lý do hóa đơn tiền điện ở các vùng trên cả nước tăng cao đột biến. Tại khu vực phía tây nam Na Uy, chi phí cho việc tiêu thụ điện đã tăng lên đến 300%.
“Chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng điện ở châu Âu và cũng phải giảm cả tiêu thụ năng lượng. Khi nói đến năng lượng và tiền bạc, chúng ta phải tiết kiệm nhất có thể. Nhiệt độ tại các phòng chờ có thể giảm vài độ, nhưng người dân vẫn có thể mặc những bộ đồ mùa thu”, ông Bane Nor Knut Øivind Ruud Johansen, giám đốc công ty, nhấn mạnh so với nhiệt độ ngoài trời, điều kiện trong các nhà ga vẫn ấm và khô ráo.
Đầu năm nay, nhà điều hành lưới điện Na Uy Statnett chỉ ra trước tình trạng mực nước thấp trong các hồ chứa thủy điện, an ninh nguồn cung điện tại quốc gia Bắc Âu có nguy cơ bị “bóp nghẹt” trong mùa Đông năm 2023.
Mặc dù là một trong những nhà xuất khẩu điện lớn của châu Âu, song tại Na Uy, giới chức đã cảnh báo về việc nguồn cung điện quá tải và thậm chí còn xem xét một lệnh hạn chế xuất khẩu điện ra nước ngoài để ngăn chặn tình trạng thiếu điện trong nước, khi giá điện tăng lên mức gần kỷ lục.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có xảy ra trên khắp châu Âu sau chiến dịch trừng phạt của Brussels đối với năng lượng Nga.
Các biện pháp trừng phạt đã đẩy giá năng lượng tăng đột biến, kéo theo chi phí gia đình và lạm phát chung trên toàn EU tăng cao, buộc các chính phủ phải bơm hàng tỷ USD vào các gói cứu trợ để giảm bớt gánh nặng kinh tế.
Trong một nỗ lực để giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng, các nước châu Âu triển khai loạt biện pháp tiết kiệm. Gần đây, Đan Mạch thông báo sẽ hạ nhiệt độ ở những nơi công cộng xuống 17 độ. Một số khu vực của Đức ngừng chiếu sáng tại các địa danh và không đun nóng nước trong các tòa nhà công cộng. Pháp và Thụy Điển quyết định cắt giảm đèn đường.