Người tị nạn Rohingya tới khu vực Palongkhali, gần Ukhia, Bangladesh ngày 16/10 sau khi sơ tán khỏi Myanmar. Ảnh: AFP/TTXVN |
Những người biểu tình đã giương cao nhiều biểu ngữ ủng hộ chỉ huy quân đội Myanmar, và lên án cộng đồng quốc tế gây sức ép đối với quân đội nước này. Trả lời hãng tin AFP, một người tuần hành nói: "Quân đội Myanmar là điều cốt yếu của đất nước. Quân đội bảo vệ các nhóm người thiểu số, các tộc người và tôn giáo của chúng tôi". Một trung sĩ nghỉ hưu cũng tham gia tuần hành khẳng định các cáo buộc quân đội Myanmar giết người và cưỡng hiếp tại bang Rakhine là những lời nói dối.
Trong khi cộng đồng quốc tế liên tục gây sức ép với chính quyền Myanmar, đặc biệt là Liên hợp quốc cáo buộc các vụ bạo lực nhằm vào người Rohingya là thanh lọc sắc tộc, thì tại Myanmar, danh tiếng của quân đội chính phủ lại tăng thêm trong cuộc khủng hoảng dân tộc thiểu số Rohingya.
Theo thống kê của Chính phủ Myanmar, kể từ khi nổ ra các vụ đụng độ sau khi các phần tử khủng bố tiến hành các cuộc tấn công mới vào các đồn cảnh sát ở bang Rakhine hôm 25/8, hơn 400.000 người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar đã phải sang Bangladesh lánh nạn.