Theo thông báo ngày 28/10 của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR), cơ quan này đang xem xét khả năng tiếp tục trì hoãn lệnh áp thuế nói trên trong bối cảnh của các quan chức hai nước đang nỗ lực thúc đẩy một thỏa thuận nhằm chấm dứt căng thẳng thương mại song phương. Yếu tố được đưa ra xem xét là những nỗ lực của các nhà nhập khẩu Mỹ tìm kiếm nguồn cho hàng hóa Mỹ hoặc từ các quốc gia thứ 3.
Trong khi đó, phát biểu trước báo giới ngày 28/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết một thỏa thuận thương mại mà Washington và Bắc Kinh đang xúc tiến sẽ hỗ trợ người nông dân Mỹ vốn chịu tổn thất do tranh chấp thương mại giữa hai nước. Ông nhấn mạnh thỏa thuận giai đoạn 1 này sẽ hỗ trợ người nông dân cũng như một số ngành khác, trong đó có ngân hàng.
Nhà lãnh đạo Mỹ bày tỏ hy vọng hai bên sớm ký kết giai đoạn 1 thỏa thuận này vào giữa tháng 11 tới - thời điểm ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến có cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Santiago (Chile).
Cùng với những tuyên bố tích cực về việc hai bên đã thống nhất giải quyết những quan ngại cốt lõi dẫn đến tranh chấp thương mại giữa hai nước, Mỹ và Trung Quốc liên tục có những động thái thể hiện thiện chí thúc đẩy một thỏa thuận thương mại. Cụ thể, cùng với các quyết định hoãn kế hoạch tăng thuế, cả Washington và Bắc Kinh cùng công bố gỡ bỏ lệnh hạn chế nhập khẩu nông sản của nhau.
Trong khi đó, các nhà quản lý viễn thông của Mỹ cũng sẽ quyết định hai tập đoàn Huawei và ZTE của Trung Quốc có phải là nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ hay không. Quyết định có thể được đưa ra trong cuộc họp ngày 19/11 tới Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC).
Trước đó, Mỹ đã cấm Huawei tham gia phát triển mạng không dây thế hệ mới 5G ở nước này, đồng thời cấm các cơ quan liên bang Mỹ sử dụng thiết bị của tập đoàn này. Tháng 4 năm ngoái, tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ hai của Trung Quốc ZTE Corp đã buộc phải đình chỉ các hoạt động kinh doanh chính trên toàn thế giới sau khi Bộ Thương mại Mỹ cấm các công ty Mỹ bán phần mềm và linh kiện cho hãng này trong vòng 7 năm do nhiều lần tái phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên và Iran.