Theo đài RT, nhập khẩu dầu Nga đã bị đình chỉ trong tuần từ ngày 19/2 đến ngày 25/2. Tuy nhiên, vào đầu tháng 3, nguồn cung dầu hàng tuần của Nga đã đạt giá trị tối đa vào năm 2022, lên tới 148.000 thùng/ngày.
Mỹ gia tăng nhập dầu Nga bất chấp việc Tổng thống Joe Biden đã ký lệnh hành pháp vào ngày 8/3, cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga và đầu tư mới vào lĩnh vực năng lượng của Nga. Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra thời hạn hoàn thành các giao dịch nhập khẩu dầu, các sản phẩm dầu, khí hóa lỏng và than từ Nga vào nước này đến ngày 22/4.
Năm 2021, nguồn cung dầu Nga sang Mỹ tăng hơn gấp đôi so với năm 2020, đạt 72,608 triệu thùng. Con số này chiếm 3,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ. Nga cũng đã cung cấp 20% trong số tổng nguồn cung các sản phẩm dầu mỏ cho Mỹ.
Mỹ cho rằng lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga sẽ tước đi hàng tỷ USD doanh thu của Nga tại thị trường Mỹ mỗi năm. Năm ngoái, Mỹ nhập khẩu gần 700.000 thùng dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế từ Nga mỗi ngày. Con số này chiếm khoảng 3% xuất khẩu của Nga.
Theo Nhà Trắng, Mỹ là nước có khả năng tự chủ về các nguồn năng lượng nên không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung cấp dầu mỏ từ Nga như các đồng minh khác.
Trước đó, giới phân tích cho rằng quyết định cấm dầu Nga của Mỹ sẽ làm gia tăng tác động của chiến dịch quân sự tại Ukraine đối với kinh tế toàn cầu sau khi thế giới đã phải trải qua việc thiếu hụt nguồn cung và giá cả leo thang do tác động của đại dịch COVID-19. Giá xăng tại Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục, đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.
Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới. Mặc dù Mỹ không phải là nhà mua dầu hàng đầu của Nga, song các đồng minh của nước này dường như phải chịu sức ép đưa nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.
Trước đó, các nước phương Tây cũng đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với Nga. Tập đoàn Shell của Anh thông báo rút khỏi các dự án ở Nga và sẽ không mua dầu mỏ và khí đốt của nước này.