Ngày 17/1, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hội đàm với người đồng cấp Somalia Hassan Sheikh Mohamud, trong bối cảnh Washington lần đầu tiên công nhận chính phủ của quốc gia châu Phi này kể từ năm 1991, đánh dấu một chương mới trong quan hệ song phương. Tổng thống Mỹ Barack Obama hội đàm với người đồng cấp Somalia Hassan Sheikh Mohamud. Ảnh: whitehouse.gov |
Trong một tuyên bố, Nhà Trắng nêu rõ Tổng thống Obama đã chúc mừng nhà lãnh đạo Somalia đắc cử hồi tháng 9 năm ngoái và thành lập một chính phủ thường trực, có tính đại diện đầu tiên tại Somalia trong 20 năm qua.
Tổng thống Obama cũng lưu ý đến những thành quả chính trị và an ninh đầy ấn tượng ở Somalia trong năm qua. Mặc dù thừa nhận Somalia đang phải đối mặt với nhiều thách thức, song nhà lãnh đạo Mỹ bày tỏ lạc quan về tương lai của quốc gia châu Phi này.
Cùng ngày, Mỹ đã chính thức công nhận Chính phủ Somalia tại thủ đô Mogadishu, qua đó chấm dứt tình trạng gián đoạn ngoại giao trong hơn 20 năm qua, khép lại một chương đen tối trong quan hệ hai nước và mở cánh cửa để Mỹ và quốc tế tăng cường giúp đỡ kinh tế cho quốc gia vốn bất ổn vì bạo lực này.
Quyết định của Mỹ nhấn mạnh tới những tiến bộ hướng tới sự ổn định về chính trị mà nước này đã đạt được trong năm qua, trong đó có việc "phá vỡ sức mạnh" của lực lượng Hồi giáo cực đoan Shabaab. Điều này cũng sẽ dọn đường cho các dòng viện trợ mới từ Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và các cơ quan khác của Mỹ cũng như các thể chế quốc tế như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế.
Somalia không có chính phủ trung ương kể từ khi Tổng thống Mohamed Siyad Barre bị phế truất năm 1991. Ông Abdi Farah Shirdon được Tổng thống Mohamed chỉ định làm Thủ tướng hồi tháng 10 vừa qua, động thái được nhận định là hoàn thiện bộ máy chính quyền với ba vị trí chủ chốt là tổng thống, chủ tịch quốc hội và thủ tướng.
Việc thành lập chính phủ mới đã chấm dứt 8 năm hoạt động của chính phủ quá độ được phương Tây hậu thuẫn ở Somalia, đồng thời được nhìn nhận là một nỗ lực lớn lao nhằm chấm dứt gần hai thập kỷ xung đột, cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người ở quốc gia vùng Sừng châu Phi này.
TTXVN/Tin tức